Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thăm và làm việc tại Trường ĐH Tây Nguyên

GD&TĐ - Ngày 4/8, Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT với sự chủ trì của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã làm việc với tỉnh Đắk Lắk về phát triển GD&ĐT trên địa bàn sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo. Trước khi làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk về nội dung nói trên, Bộ trưởng và đoàn công tác đã tới thăm và làm việc với Trường ĐH Tây Nguyên.

Bộ trưởng làm việc với Trường ĐH Tây Nguyên
Bộ trưởng làm việc với Trường ĐH Tây Nguyên

Tại đây, Bộ trưởng lắng nghe những chia sẻ của lãnh đạo nhà trường về công tác đào tạo, nghiên cứu, định hướng phát triển của trường trong thời gian tới cũng như những kiến nghị, đề xuất.

TS Nguyễn Thanh Trúc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, qua hơn 40 năm hình thành và phát triển, Trường ĐH Tây Nguyên đã khẳng định được vị thế xứng đáng là trường ĐH đa ngành, trung tâm đào tạo, NCKH và chuyển giao công nghệ có uy tín.

Hiện nhà trường có 730 CB, GV, NV, trong đó có 495 cán bộ giáo viên  và khoảng 13.000 sinh viên và học sinh dự bị.

Trường đang đào tạo 35 ngành đào tạo ĐH, 11 ngành thạc sĩ và chuyên khoa cấp 1, 2 ngành ĐT tiến sĩ. Trường đã triển khai 32 dự án quốc tế, hợp tác NCKH và hợp đồng chuyển giao tiến bộ kĩ thuật.

Theo kết quả điều tra năm 2017, khảo sát hơn 1.200 cựu sinh viên của 8 khoa và 33 chuyên ngành đào tạo ĐH, kết quả có 822 SV đi làm, trong đó có 552 SV (chiếm tỷ lệ 67,2% ) đi làm đúng chuyên ngành đào tạo với bình quân thu nhập 5,3 triệu đồng/tháng

TS Nguyễn Thanh Trúc cho biết thêm về những định hướng của trường trong thời gian tới cũng có những kiến nghị với Bộ GD&ĐT về việc cho phép thành lập khoa Y, Phân bổ lưu HS Lào, Campuchia - theo Nghị định của Chính phủ để góp phần tăng cường an ninh đối ngoại…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo trường cũng đã có những kiến nghị với đại diện UBND tỉnh Đắk Lắk.

Trường cần xác định rõ hơn về đối tượng, cần có những khảo sát, rà soát xem tỉnh đang cần gì, đặc biệt là tập trung thế mạnh phát triển nông, lâm nghiệp gắn với công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, giải bài toán kinh tế kèm theo bài toán về việc làm. Tạo điều kiện cho con em đồng bào tiếp cận giáo dục công nghệ cao, tiếp cận đào tạo đáp ứng nhu cầu. 
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Trao đổi với lãnh đạo, cán bộ nhân viên của Trường ĐH Tây Nguyên, GS.TS Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ghi nhận sự nỗ lực cố gắng của nhà trường, cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên để đạt được thành tựu trong thời gian qua. Đồng thời yêu cầu nhà trường phải tiếp tục kiên trì định hướng đổi mới phát triển giáo dục, đào tạo.

Trường nằm trên địa bàn rất quan trọng, vì vậy, ngoài việc đào tạo, NCKH, trường phải gắn đào tạo với sứ mệnh cộng đồng. Đào tạo gắn với thực tiễn nhu cầu của địa phương, của người học, đáp ứng nhu cầu việc làm, nguồn nhân lực cho địa bàn. Chương trình đào tạo cần rà soát lại, gắn với thực hành, gắn đặc thù văn hóa địa bàn. Mục tiêu đào tạo phải gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội mà nghị quyết của tỉnh đề ra.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, trường cần xác định, không chỉ đào tạo ra các kĩ sư, cử nhân mà là nơi để bồi dưỡng, đào tạo cán bộ lãnh đạo của địa bàn.

Về NCKH, Bộ trưởng cho rằng, trường cần có cơ sở dữ liệu, phát triển thế mạnh của nhà trường cũng như nhu cầu chuyển giao của địa phương, cũng như tạo môi trường tốt để các nhà khoa học, giảng viên tập trung NCKH. Ngoài ra, trường cần rà soát, xây dựng đề án để tiến tới thực hiện tự chủ ĐH.

Cũng trong sáng 4/8, Đoàn công tác của Bộ đã tới thăm và dự lễ khánh thành cơ sở giáo dục ngoài công lập - Trường TH-THCS-THPT Hoàng Việt (TP Buôn Mê Thuột) được đầu tư hơn 400 tỷ đồng.

Chia sẻ với giáo viên, học sinh của Trường Hoàng Việt, Bộ trưởng hi vọng các thầy cô giáo ngoài nâng cao chất lượng giảng dạy chuyên môn còn phải đặc biệt chú trọng đến dạy làm người cho các em, đó là giáo dục kỹ năng, đạo đức, lối sống cho HS. Các thầy cô phải là một tấm gương cho học trò.

Các em học trò không chỉ học tốt, học giỏi về mặt kiến thực mà phải gắn với thực hành, vận dụng các kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Trường không chỉ dừng lại ở nâng cao chất lượng dạy học mà còn mở rộng giao lưu, liên kết, học tập với các môi trường giáo dục nước ngoài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba

Kiev khẳng định không có Kế hoạch B

GD&TĐ - Ngoại trưởng Ukraine cho biết, Kiev không có kế hoạch B cho cuộc xung đột với Nga nếu Quốc hội Mỹ từ chối phê duyệt thêm viện trợ quân sự cho nước này.