Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tiếp công dân vào ngày 25 hàng tháng

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tiếp công dân vào ngày 25 hàng tháng
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

(GD&TĐ) - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của Bộ GD&ĐT.

Thông tư này áp dụng đối với các đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục gồm: các Vụ, Cục, Thanh tra, Văn phòng và Cơ quan đại diện của Bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh (đơn vị chức năng thuộc Bộ); các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp trực thuộc Bộ (đơn vị trực thuộc Bộ) và các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Thông tư quy định trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo và tiếp công dân; trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ và đơn vị trực thuộc Bộ; trách nhiệm của Thanh tra Bộ; quy định về tiếp công dân và xử lý đơn thư; thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo.

Địa điểm tiếp công dân của Bộ GD&ĐT đặt tại trụ sở cơ quan Bộ (số 49, đường Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội) và tại Cơ quan đại diện của Bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh (số 3, Công trường Quốc Tế, Quận 3).

Bộ trưởng (hoặc Thứ trưởng được uỷ quyền) tiếp công dân vào ngày 25 hàng tháng, nếu trùng ngày nghỉ thì bố trí tiếp công dân vào ngày làm việc ngay sau đó. Thanh tra Bộ tổ chức tiếp công dân vào các ngày làm việc trong tuần tại địa điểm tiếp công dân của Bộ.

Người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ có trách nhiệm tiếp công dân ít nhất mỗi tháng một ngày và phải niêm yết công khai ngày, giờ tiếp công dân; tiếp đột xuất khi có vụ việc phức tạp.

Về đơn khiếu nại, tố cáo, Thông tư quy định không xem xét, giải quyết những đơn không ghi rõ ngày tháng năm viết đơn; không ghi rõ họ tên địa chỉ của người viết đơn; không có chữ ký hoặc điểm chỉ trực tiếp của người viết đơn;

Đơn khiếu nại không liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại; hết thời hạn, thời hiệu khiếu nại; khiếu nại đã có quyết định giải quyết lần hai; khiếu nại đã được toà án thụ lý;

Đơn tố cáo không ghi rõ tên, địa chỉ của người tố cáo; đơn tố cáo đã được cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết mà không có nội dung mới hoặc nội dung tố cáo không có điều kiện để xác minh;

Đơn được gửi cho nhiều cơ quan, nhiều người, trong đó đã gửi đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết.

Người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo mà không giải quyết, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết hoặc cố tình giải quyết trái pháp luật phải bị xử lý nghiêm minh, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/2/2014 và thay thế Quyết định số 47/2007/QĐ-BGDĐT quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân.

Lập Phương

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ