Trong phiên họp tại hội trường, ngày 18/11, các đại biểu Quốc hội sẽ bỏ phiếu kín về những ý kiến khác nhau của dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Quốc hội họp tại hội trường nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trưởng Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp và dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đầu tư công.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, việc ban hành Luật Đầu tư công nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ và hoàn chỉnh để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư công; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; chống thất thoát, lãng phí; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công.
Riêng về đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước được chế định trong Luật Đầu tư và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 7 tới
Dự thảo Luật Đầu tư công thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư, thời điểm khởi đầu quyết định tính đúng đắn, hiệu quả của chương trình, dự án; nhằm ngăn ngừa sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí và đơn giản trong việc quyết định chủ trương đầu tư. Theo các đại biểu, thực tế quản lý đầu tư công trong thời gian qua cho thấy lãng phí, thất thoát có nhiều nguyên nhân khác nhau, như buông lỏng quản lý, đầu tư dàn trải, tham nhũng, bớt xén trong thi công, nhưng lãng phí lớn nhất là do chủ trương đầu tư không đúng, không hiệu quả.
Đồng thời với việc xây dựng Dự án Luật Đầu tư công, Chính phủ đã chỉ đạo chuẩn bị 4 dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành luật, gồm: Dự thảo Nghị định về kế hoạch đầu tư trung hạn; dự thảo Nghị định về giám sát và đánh giá đầu tư; dự thảo Nghị định về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; dự thảo Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Theo Chinhphu.vn