Bổ nhiệm sai vì tham mưu chưa tốt!

GD&TĐ - Thanh tra Chính phủ vừa kiến nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) thực hiện rà soát, kiểm tra năng lực của 122 hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đã được bổ nhiệm trong giai đoạn 2013 - 2016… Tương lai những cán bộ quản lý trong Danh sách đề cập của Thanh tra Chính phủ sẽ ra sao? Phóng viên báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với NGƯT. TS Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT BR-VT xung quanh vấn đề này.

Một tiết học Toán của lớp 12A1, Trường THPT Trần Văn Quan(huyện Long Điền). Ảnh MH
Một tiết học Toán của lớp 12A1, Trường THPT Trần Văn Quan(huyện Long Điền). Ảnh MH

Lỗi ở...… quy trình

Trước hết, xin ông cho biết rõ hơn về trường hợp 122 hiệu trưởng, phó hiệu trưởng được bổ nhiệm sai quy trình trong danh sách đề cập chủ yếu thuộc địa bàn TP Vũng Tàu và huyện Tân Thành. Trách nhiệm trong việc bổ nhiệm sai quy trình này nằm ở đâu, thưa ông?

NGƯT. TS Nguyễn Thanh Giang

Theo Thông báo số 65/TB-TTCP và Kết luận số 2580/KL-TTCP “Kết luận thanh tra chuyên đề công tác quản lý Nhà nước về GD&ĐT tại tỉnh BR-VT, Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND tỉnh BR-VT chỉ đạo UBND thành phố Vũng Tàu, UBND huyện Tân Thành rà soát, kiểm tra năng lực của 122 hiệu trưởng, phó hiệu trưởng được bổ nhiệm trong giai đoạn 2013 - 2016 (UBND TP Vũng Tàu 84 người, UBND huyện Tân Thành 38 người), do quy hoạch hiệu trưởng, phó hiệu trưởng chưa được UBND thành phố, huyện phê duyệt.

Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT thành phố Vũng Tàu và Phòng GD&ĐT huyện Tân Thành, 122 cán bộ quản lý (CBQL) được bổ nhiệm, đều có tên trong danh sách quy hoạch CBQLGD dự nguồn. Tuy nhiên, danh sách quy hoạch này do Phòng GD&ĐT tham mưu (thông qua Phòng Nội vụ), chưa được UBND huyện, thành phố phê duyệt.

Vấn đề này, UBND tỉnh BR-VT đã tiến hành chỉ đạo rà soát, rút kinh nghiệm cho tất cả các địa phương còn lại. Theo phân cấp quản lý, UBND huyện, thành phố bổ nhiệm CBQLGD các trường từ mầm non đến THCS. Tuy nhiên, việc tham mưu do Phòng Nội vụ phối hợp với Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố thực hiện. Muốn tham mưu tốt cho lãnh đạo UBND huyện, thành phố, thì Phòng Nội vụ huyện, thành phố cần phối hợp tốt với Phòng GD&ĐT. Như vậy, để xảy ra vụ việc trên có một phần trách nhiệm của bộ phận tham mưu, trong đó có trách nhiệm của Phòng GD&ĐT.

Lãnh đạo TP Vũng Tàu và huyện Tân Thành bỏ quên trách nhiệm phê duyệt quy hoạch hiệu trưởng - phó hiệu trưởng thuộc địa bàn mình phụ trách. Như vậy, không thể không xem xét trách nhiệm tham mưu chưa tốt của ngành GD-ĐT và ngành Nội vụ 2 địa phương nói trên. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Như đã trình bày ở trên, trong công tác tham mưu của các Phòng GD&ĐT với UBND huyện, thành phố (qua Phòng Nội vụ) có một phần trách nhiệm, hơi chủ quan, chưa bám sát các vấn đề đã tham mưu, đề xuất.

Theo tôi, tuy việc bổ nhiệm các CBQLGD nói trên chưa được phê duyệt nguồn quy hoạch, nhưng sau khi rà soát, kiểm tra lại, thì tất cả các CBQL được bổ nhiệm nói trên đều nằm trong danh sách nguồn quy hoạch do Phòng GD&ĐT đề xuất. Điều đó cho thấy: Việc bổ nhiệm vừa rồi có thể loại trừ khả năng tiêu cực, các CBQLGD được bổ nhiệm đều nằm trong danh sách đã gửi trước đó của bộ phận tham mưu.

Cần thiết phải bổ sung vào Luật Giáo dục

Đó là về mặt thủ tục hành chính, được thể hiện trên các văn bản giấy tờ. Trong trường hợp sau khi rà soát, kiểm tra năng lực của các CBQL này, nếu phát hiện có sai phạm thì sẽ xử lý như thế nào?

“Để xảy ra sai sót trên, chúng tôi nhận thấy cũng có một phần trách nhiệm của Sở GD&ĐT. Đó là phải tăng cường hơn nữa việc phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố, trong công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác cán bộ nói riêng và quản lý nhân sự nói chung”.

NGƯT Nguyễn Thanh Giang

Quan điểm của ngành GD-ĐT, tất cả CBQLGD trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chức trách, nếu để xảy ra sai phạm đều phải xử lý trách nhiệm theo đúng pháp luật và các văn bản quy phạm dưới luật có liên quan. Như vậy, qua rà soát 122 hiệu trưởng, phó hiệu trưởng được bổ nhiệm nói trên, đều nằm trong danh sách quy hoạch do các đơn vị đề xuất, được Phòng GD&ĐT tổng hợp gửi Phòng Nội vụ huyện, thành phố. Tất cả CBQL đã được bổ nhiệm (có trong danh sách của Thanh tra Chính phủ hoặc không có) đều đáp ứng được các điều kiện về năng lực chuyên môn, kinh nghiệm công tác và sự tín nhiệm của tập thể.

Thanh tra Chính phủ đã cảnh báo nhiều sai phạm trong việc bổ nhiệm thừa chức danh cấp phó, bổ nhiệm người không thuộc diện quy hoạch đã được phê duyệt, bổ nhiệm người thiếu tiêu chuẩn chức danh quy định, rồi tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ xảy ra đã lâu chưa được xử lý… Vấn đề nhân sự quản lý ngành GD cấp cơ sở đang được đề cập ở đây, theo ông có cần được minh định rõ ràng trong Luật Giáo dục đang được sửa đổi, bổ sung hay không?

Qua sự việc trên, chúng tôi cũng nhận thấy: Việc phân cấp QLGD như hiện nay là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của các Phòng GD&ĐT còn nhiều hạn chế, dẫn đến ở các địa phương còn nhiều khó khăn vướng mắc. Rất cần đưa vấn đề quan trọng này vào Luật Giáo dục mới, bổ sung đầy đủ các quyền hạn cho các Phòng GD&ĐT trong công tác quản lý cán bộ.

Muốn công tác tuyển dụng, bổ nhiệm CBQL GD và giáo viên đạt các tiêu chuẩn như quy định, điều cốt lõi là phải tuân thủ đúng quy trình, phải đảm bảo công khai, dân chủ… Tuy nhiên, dư luận cho rằng công tác nhân sự của ngành GD vẫn còn một số bất cập. Ông đánh giá về vấn đề này như thế nào?

Thật ra với các quy định của Chính phủ, của Bộ Nội vụ về công tác cán bộ, khi về đến địa phương đều được thực hiện nghiêm túc. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ cụ thể hóa các tiêu chuẩn để phù hợp với thực trạng ở địa phương và yêu cầu của mỗi giai đoạn (như về trình độ lý luận chính trị, đảng viên, trình độ ngoại ngữ, tin học), nhằm nâng cao các điều kiện, tiêu chuẩn của người làm công tác quản lý nói chung và QLGD nói riêng, để theo kịp những đòi hỏi ngày càng cao của đất nước thời kỳ đổi mới. Nghĩa là công tác bổ nhiệm CBQL phải tuân thủ theo quy trình chặt chẽ, được luật hóa cụ thể.

Xin cám ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ