Bố mẹ nên đóng vai “học trò” của con

GD&TĐ - Lớp 1 được xem là bước ngoặt lớn trong cuộc đời của mỗi đứa trẻ. Bởi vậy việc tạo động lực và nền nếp học tập đóng vai trò định hướng, giúp trẻ hòa nhập nhanh với môi trường học tập, hoạt động mới tại trường tiểu học.

Tạo niềm vui trong học tập cùng con. Ảnh: INT.
Tạo niềm vui trong học tập cùng con. Ảnh: INT.

Đừng tạo áp lực cho trẻ

Bước vào lớp 1, trẻ bắt đầu chuyển qua hoạt động học tập là chính thay cho vui chơi ở trường mầm non. Những bỡ ngỡ trong thay đổi môi trường khiến không ít trẻ căng thẳng.

Chị Thu Trà, khu đô thị Văn Quán, Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ: “Năm nay con trai đầu bước vào lớp 1 nên tôi khá lo lắng. Được nhiều bạn bè mách nước nên tôi dành nhiều thời gian để học cùng con. Tuy nhiên, tôi khá hoang mang bởi kiến thức lớp 1 không khó, nhưng con tôi không thể thực hiện theo những điều cô giáo dạy trên lớp. Cháu hay ngại, thậm chí chống đối trong bài tập viết.

Ngay cả những con số tính toán đơn giản nhất cháu cũng thiếu tự tin về kết quả, thường chờ đợi sự trợ giúp của bố mẹ. Nhiều khi sợ con ôn bài muộn quá tôi đành gợi ý giúp con làm bài với hy vọng con sẽ khá hơn ở những tuần học sau. Song hết một tháng của năm học, con không tiến bộ chút nào. Nếu cứ kéo dài tình trạng như thế này, khi tới những bài khó hơn con sẽ không nắm được kiến thức”.

Bên cạnh đó, một số phụ huynh cũng bày tỏ lo lắng: Cô giáo phản ánh con tiếp thu chậm, không theo kịp các bạn, thậm chí không nhớ nổi bài cô vừa dạy xong.

Vậy nên, mỗi tối hai mẹ con phải “đánh vật” với nhau về bài vở, nhìn con mệt mỏi mà thấy thương quá. Hiện tại nhiều cha mẹ chưa biết phải học cùng con như thế nào? Có phụ huynh còn sốt ruột tìm gia sư để mong con học tốt hơn...

Trao đổi về những khúc mắc của các phụ huynh đang có con học lớp 1, TS Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục (nguyên giảng viên khoa Tiểu học, Trường ĐHSP Hà Nội) đã bật mí: Thời gian trẻ học lớp 1 là khó khăn nhất, vì vậy cha mẹ phải hiểu được tâm lý để đồng hành cùng con. Trước hết, cha mẹ phải đặt lòng tin ở các con.

Nhiều phụ huynh thiếu lòng tin ở con cái. Khi con vừa vào lớp 1, họ đã nghĩ con không thể theo được. Chính vì không tin con, nên nhiều cha mẹ không yên tâm khi con tự làm và có xu hướng làm giúp con. Điều này khiến trẻ mất niềm tin vào bản thân mình.

Điều thứ hai, cha mẹ cần phải kiên nhẫn. Đứa trẻ mới chập chững đi học không thể biết và thực hiện tốt ngay được.

“Nếu hôm nay con học về chữ cái “E”, khi về nhà được hỏi về chữ cái đó trẻ có thể không biết cũng là điều bình thường. Trí nhớ dài hạn của trẻ con thường kém, thế nên chắc chắn các cô giáo cũng sẽ ôn luyện liên tục cho các con. Nếu các cô giáo không than phiền, hay thậm chí có than phiền một chút cũng là chuyện bình thường, bố mẹ cũng không nên lo lắng thái quá. Các phụ huynh cần phải kiên nhẫn hướng dẫn con học tập”.

Khen ngợi, khuyến khích trẻ

Theo TS Vũ Thu Hương, giáo dục tiểu học đặt mục tiêu không quá cao, trẻ hết lớp 1 biết đọc biết viết là đạt yêu cầu. Bố mẹ chỉ nên lo lắng khi con học hết lớp 1 mà chưa biết đọc, biết viết. Trẻ viết chưa đẹp, đọc chưa thông thạo cũng không phải là điều quá lo ngại.

Nếu người lớn để ý so sánh, quan sát những nét chữ các con viết đều sẽ nhận thấy những tiến bộ mỗi ngày của con. Vì vậy, người lớn cần cho trẻ thời gian để luyện dần nét chữ cũng như việc đánh vần rồi đọc trơn chu chứ không phải ngay từ đầu đặt yêu cầu trẻ phải chuẩn chỉ, giỏi giang.

Muốn trẻ tự tin bố mẹ nên để con tự làm mọi việc. Khi con biết làm và làm thành thục chắc chắn con sẽ tự tin đối với những việc ở nhà, hay ở trường. Cha mẹ cũng nên tạo ra những cơ hội để trẻ được khen.

Lời khen có thể từ sự so sánh với chính bố mẹ ở thời điểm bố, mẹ cũng bắt đầu đi học như con.

Những lời khen ngợi như: “Con giỏi hơn cả bố mẹ lúc bố mẹ bắt đầu đi học lớp 1 như con bây giờ…”. Hoặc “Con giỏi thế, ngày xưa bằng con mẹ học lâu thuộc lắm”... sẽ là động lực khuyến khích con phấn đấu hơn nữa.

“Khó khăn nhất trong việc đồng hành với trẻ trong suốt quá trình học lớp 1 là phải kiên nhẫn, không nóng vội. Không nên giảng bài cho con, hãy để con biết tự lo. Cha mẹ thường có xu hướng khi thấy con làm sai sẽ sốt ruột và có những phản ứng không tích cực. Tuy nhiên, cha mẹ chỉ nên khuyến khích, động viên để con tự hoàn thành công việc của mình, con sẽ mau tiến bộ”. Tiến sĩ Vũ Thu Hương

TS Vũ Thu Hương còn chia sẻ một bí quyết khá thú vị đó là: Để con ghi nhớ và học tốt hơn, bố mẹ có thể đóng vai là học trò của con. Khi con vào vai giáo viên con sẽ phải cố gắng ghi nhớ bài trên lớp để có thể “dạy lại” cho bố mẹ.

Lâu lâu, các phụ huynh có thể giả vờ không hiểu, nói sai, tình huống này sẽ tạo cơ hội cho con được giảng giải cho bố mẹ nghe. Con sẽ thấy mình “quan trọng”, có ích hơn, như vậy trẻ sẽ tập trung học tập ở lớp hơn để lĩnh hội kiến thức về “dạy lại” cho bố mẹ. Hình thức học như thế này không những nhẹ nhàng, không gây áp lực cho trẻ mà còn có hiệu quả cao.

“Nhiều phụ huynh khi áp dụng cách học cùng con như thế đã phấn khởi chia sẻ: Với việc áp dụng các bí quyết này giúp con tiến bộ nhanh hơn trong học tập, con mạnh dạn, tự tin trước mọi công việc của bản thân.

Tâm lý con người nói chung, đặc biệt là trẻ nhỏ đều muốn mình có giá trị trong mắt người khác. Thế nên khi người lớn đẩy cao giá trị của trẻ, trẻ sẽ rất mừng và cố gắng thực hiện thật tốt để mong chờ được nhiều lời ngọi khen hơn”, TS Vũ Thu Hương cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.