Bố mẹ có nên đánh, mắng con?

GD&TĐ - Bố mẹ thường cho mình cái quyền được mắng, đánh con mỗi khi chúng bị điểm kém hoặc làm sai một việc gì đó. Theo các chuyên gia tâm lý, đây là cách dạy con phản khoa học mà cha mẹ thường mắc phải.

Bố mẹ có nên đánh, mắng con?

Mắng con vì lười học

Nhà có khách từ quê ra chơi, chị Hải tất tưởi từ cơ quan về rồi đi chợ mua thức ăn rồi một mình bận bịu vào bếp làm cơm đãi khách trong khi con gái vẫn cứ nhởn nhơ chơi. Một tay chị vừa xào nấu, vừa nhặt rau rất bận.

Vì sợ cháy mất chảo cá rán chị đã gọi cô con gái học lớp 5 xuống bếp nhặt rau giúp mẹ nhưng con bé mải xem hoạt hình với đưa em trai 5 tuổi nên cứ dạ nhưng chưa xuống. Không kìm giữ được nóng giận chị đã mắng té tát con gái. Nhân cơn nóng giận đó chị trút luôn những bực mình do việc kiểm tra chất lượng học tập đầu năm của con bị điểm trung bình: "Con gái lớn rồi mà chẳng được việc gì. Mẹ sai có việc nhặt rau đỡ mẹ cũng không làm. Bố mẹ vất vả chỉ để nuôi mày ăn với học, mà mày cũng không học ra hồn. Đấy, điểm khảo sát chất lượng đầu năm đấy có thấy xấu hổ không? Mày nhìn cái Thủy nhà cô Chi xem. Năm nào nó cũng đạt học sinh giỏi cấp thành phố đấy. Năm học vừa rồi nó còn đạt giải Quốc gia nữa đấy. Bố mẹ nó có nở mày nở mặt không? Còn mày, mày không biết nghĩ cho bố mẹ mày con ạ. Tao hầu hạ mày như thế này để rồi mày trả công như thế sao… Mẹ mày có đáng phải hy sinh hay không?...".

Những lời mắng nhiếc đó của chị Hải đã chạm đến lòng tự ái của con gái khiến nó cái lại mẹ rồi bỏ lên phòng đóng sập cửa nằm khóc dấm dứt... Nó vào Intenet bật nhạc to rồi khóc trong đó Bố về gõ cửa phòng không được rồi nhắn tin an ủi, vỗ về nó rồi nói vì mẹ nóng tính nên đã nói vậy, con đừng khóc nữa và cũng đừng giận mẹ. Mẹ cũng thương con lắm… nhưng nó chằng thèm trả lời mà cứ ở lì trong đó khóc lóc kêu la.

Mắng con vì lười việc nhà

Chiều muộn, đi làm về chị Mai rất mệt mỏi vì áp lực công việc trong ngày, ấy vậy mà nhà cửa, cơm nước vẫn lạnh ngắt. Đứa con trai lớn 14 tuổi vẫn đá bóng ngoài sân với lũ trẻ con hàng xóm. Cô con gái 10 tuổi cũng đang mải miết cầm cuốn truyện đọc. Chẳng đứa nào để ý chuyện nấu cơm tối. Bực bội, chị Mai quát hai đứa trẻ: Hai đứa bay làm gì giờ này mà không nấu cơm cho mẹ. Mẹ đã dặn hai anh em thế nào... Bát đũa ăn xong vứt hết cả vào chậu đợi mẹ về dọn thế này có phải không? Không ở trong nhà tại sao bật điện, ti vi lên thế kia?...

Nghe mẹ mắng hai đứa trẻ chạy vào bếp, đứa đi vo gạo cắm cơm, đứa mở tủ lạnh lấy rau ra nhặt... vừa làm chúng vừa cãi nhau: Tại anh mải chơi không biết giờ nấu cơm. Hôm nay em giúp anh cắm cơm đấy nhé. Ngày mai mới đến lượt em nấu cơ mà...

Thằng anh nghe em nói vậy, vừa làm nó vừa quát lại con em: Mày làm nhanh lên kẻo mẹ điên tiết lại xuống cho một bài bây giờ. Ngày nào anh nấu? Ngày nào mày nấu? Toàn là bác giúp nấu đấy chứ. Tại hôm nay bác ấy về quê thôi...

Nghe hai đứa trẻ cãi nhau, đang bực bội trong người, được thể chị Mai lại mắng chúng một trận nữa té tát khiến hai đứa im re, lặng lẽ làm cho xong việc. Không đứa nào dám cãi mẹ nửa lời. Sau đó bữa cơm cũng được dọn ra.

Anh Tuấn, chồng chị Mai trở về nhà sau đó, biết chuyện vợ mắng con anh rất khó chịu với những lời lẽ đó của vợ đành im lặng vì biết vợ đang cơn bực bội, nếu xen vào dạy con lúc đó chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa.

Anh Tuấn tâm sự: Tôi biết, một ngày làm việc của vợ tôi tương đối vất vả và áp lưc với công việc thông dịch viên cho một công ty nước ngoài. Về nhà lại phải lo toan, quá xuyến mọi công việc nhà, chăm lo, dạy dỗ con cái. Công việc của tôi, thường đi sớm về muộn, không đỡ đần gì được cho cô ấy. Hai đứa trẻ đã lớn nhưng còn ham chơi, chẳng những không đỡ đần cho mẹ mà còn luôn bày bừa ra để mẹ phải dọn dẹp…

Đầu óc căng thẳng, mệt mỏi nên vợ tôi rất dễ cáu gắt, bực bội. Tôi rất thông cảm nhưng thật sự cũng không hài lòng với cách cô ấy quát mắng con bằng những lời lẽ khó nghe.

Có nên đánh, mắng con?

Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Mai Hương, giảng viên khoa Công tác xã hội Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Tuyệt đối không nên vì tức giận mà quát mắng con bằng những lời lẽ thô thiển, hay những hành động bạo lực gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý xấu con trẻ.

Trẻ cũng có lòng tự trọng và biết phải trái, đúng sai, vì vậy cha mẹ tuyết đối không được dùng những lời lẽ thô thiển để mắng con. Những lời lẽ đó có thể sẽ làm chúng bị tổn thương và căm ghét bố mẹ. Thậm chí trẻ có thể phản ứng lại bằng cách cãi lại bố mẹ để bảo vệ mình.

Hơn nữa, con cái hay nhìn vào tấm gương cha mẹ để học hỏi và bắt chước. Vì thế, những lời lẽ xúc phạm, không hay sẽ làm găm vào đầu và sau này khi trưởng thành sẽ lặp lại khi dạy con.

Đó là do cơ chế tạo phản ứng dây chuyền lây lan và bù trừ cho những tổn thương tình cảm ở bản thân; ban đầu trẻ phản ứng để giải tỏa những bực bội, oan ức… nhưng lâu dần sẽ hình thành ở trẻ những nét tính cách thô lỗ cộc cằn, dễ gây hấn. Với thói quen cư xử nóng tính, thiếu kiềm chế, trẻ sẽ gặp khó khăn trong quan hệ với bạn bè và những người xung quanh.

Nhiều gia đình cha mẹ tự cho mình quyền được quát mắng con nhưng lại lơ là việc quản lý, giáo dục. Khi con phạm lỗi nghiêm trọng bomẹ không những quát mắng mà còn chì chiết, giếc móc những lời khiền trẻ bị tổn thương.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những đứa trẻ có cha mẹ thực hiện tốt vai trò giáo dục cảm xúc sẽ hòa hợp với bạn bè, ít gặp rắc rối trong cuộc sống, sống thân thiện, hòa đồng, bên cạnh đó ý chí nghị lực của trẻ cũng vững vàng hơn khi đối diện với những khó khăn trở ngại hay những cú sốc trong cuộc sống.

Cuộc sống gia đình dù có bức bối đến đâu các bậc cha mẹ cũng không nên trút xuống đầu con trẻ những lời mắng nhiếc vô cớ. Hãy nên xuất phát từ quan điểm phê bình để khích lệ trẻ tốt hơn.

Phê bình cũng phải trên cơ sở tôn trọng trẻ thì lúc ấy sự phê bình mới mang tính chất công bằng. Không nên bực bội mà trách mắng trẻ bằng những lời thô thiển bởi như thế là thể hiện sự bất lực của cha mẹ, chỉ khiến trẻ không nể phục và sẽ không nghe lời khi bị cha mẹ nhiều lần quát mắng. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ