Đoàn Văn Khiết (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên)
Về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) trả lời như sau:
Theo trình bày, ông Khiết đã được nghỉ chế độ sớm từ tháng 7/1985 do suy giảm khả năng lao động 61% theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa tỉnh Bắc Thái.
Từ tháng 1/2000 ông đã được hưởng trợ cấp đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học ở mức suy giảm khả năng lao động loại 2 (bằng 88.000 đồng/tháng), cùng với con đẻ bị ảnh hưởng được hưởng loại 2 (bằng 48.000 đồng/tháng).
Vào thời điểm này chưa có Hội đồng y khoa giám định chất độc da cam riêng, chưa quy định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động % do nhiễm chất độc hóa học.
Như vậy ông thuộc diện đối tượng được hưởng chế độ theo Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg ngày 23/2/2000 và sau đó được chuyển sang hưởng chế độ theo Quyết định số 120/2004/QĐ-TTg ngày 5/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng theo ông trình bày, ông đồng thời cũng là thương binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật là 22% theo kết luận của Hội đồng giám định Y khoa Quân khu I tháng 10/2005.
Theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được quy định là người có công với cách mạng.
Căn cứ Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số Điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH ngày 26/7/2006 hướng dẫn về hồ sơ, lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Theo quy định tại khoản 4 Phần III của Thông tư này, hồ sơ của người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học đã được xác nhận và đang hưởng chế độ theo các quy định trước đây phải bổ sung thêm Biên bản của Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh xác định suy giảm khả năng lao động theo mẫu số 7-HH6.
Theo quy định tại Nghị định số 147/2005/NĐ-CP ngày 30/11/2005, thương binh, bệnh binh, người hưởng chế độ mất sức lao động bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học ở mức 2.
Ngày 7/4/2009 Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 08/2009/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung Mục VII Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH ngày 26/7/2006, quy định căn cứ để thực hiện trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là Biên bản giám định bệnh tật của Hội đồng giám định y khoa tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên kết luận mắc một trong những bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin theo Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT ngày 20/2/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Danh mục bệnh,tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin và tỷ lệ suy giảm khả năng lao động (mẫu số 6-HH).
Riêng thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh, người hưởng chế độ mất sức lao động được miễn giám định mức độ suy giảm khả năng lao động.
Theo các quy định nêu trên, biên bản giảm định để hưởng chế độ mất sức lao động từ tháng 7/1985 của Hội đồng giám định y khoa tỉnh Bắc Thái trước đây không phải là căn cứ để xác định mức trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học.
Tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do nhiễm chất độc hóa học của ông đến nay vẫn chưa được Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền xác định nên ông thuộc diện điều chỉnh trợ cấp theo quy định tại tiết c khoản 6 Điều 42 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ, cụ thể là ông được bảo lưu tạm thời mức trợ cấp đang hưởng đến hết ngày 31/12/2013.
Trong thời gian bảo lưu này, nếu ông có nguyện vọng được giám định thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giới thiệu đến Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền và ra quyết định điều chỉnh trợ cấp theo Biên bản giám định.
Sau ngày 31/12/2013, những trường hợp không giám định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do nhiễm chất độc hóa học thì chuyển hưởng trợ cấp như người suy giảm khả năng lao động từ 41% đến 60% do nhiễm chất độc hóa học.
Như vậy, nếu đến tháng 1/2014 mà ông vẫn không có kết luận về tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do nhiễm chất độc hóa học của Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền thì cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương chuyển trợ cấp của ông từ mức loại 2 xuống loại 3 mới (suy giảm khả năng lao động từ 41% đến 60%) là đúng theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ.