Bỏ lại cặp hổ còn sống, 2 đối tượng ở Hà Tĩnh chạy trốn

GD&TĐ - Chi cục trưởng Kiểm lâm Hà Tĩnh Hoàng Quốc Huấn cho biết, lực lượng chức năng vừa phát hiện, thu giữ 2 con hổ do lâm tặc vận chuyển.

Quần thể hổ hoang dã của Việt Nam cũng bị đe dọa bởi việc mất môi trường sống mà nguyên nhân chính là do nạn chặt phá rừng cũng như sự suy giảm nghiêm trọng của nguồn thức ăn cho hổ như bò rừng, hươu nai.
Quần thể hổ hoang dã của Việt Nam cũng bị đe dọa bởi việc mất môi trường sống mà nguyên nhân chính là do nạn chặt phá rừng cũng như sự suy giảm nghiêm trọng của nguồn thức ăn cho hổ như bò rừng, hươu nai.

Theo đó, khoảng 6 giờ ngày 18/11, trên đường gần cầu Rào Mắc, xã Sơn Kim 1, Hương Sơn (Hà Tĩnh), tổ công tác gồm Công an tỉnh, Công an huyện Hương Sơn, Đội Kiểm lâm cơ động, Hạt Kiểm lâm Hương Sơn phát hiện 2 đối tượng đi trên xe máy không biển số có biểu hiện nghi vấn.

Lực lượng chức năng đã yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Tuy nhiên, 2 đối tượng đã tăng ga bỏ chạy và bỏ lại một túi nhựa màu xanh. Kiểm tra túi nhựa, tổ công tác phát hiện hai con hổ con còn sống, nặng khoảng 8kg. Đây là hai con hổ thuộc loại nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã bàn giao hai cá thể hổ cho Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam, xã Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình chăm sóc. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ.

Việt Nam hiện chỉ còn khoảng 30 cá thể hổ trong tự nhiên, chủ yếu phân bố ở khu vực biên giới miền Trung và Tây Bắc. Tuy nhiên, các điều tra cho thấy, hoạt động buôn bán hổ trái phép tại Việt Nam đang phát triển với một số trại nuôi hổ, buôn bán hổ con và trao đổi hổ. Những trang trại này cũng bị nghi ngờ có hoạt động tuồn hổ có nguồn gốc từ nước ngoài.

Hơn 30 năm qua, quần thể hổ đã suy giảm một cách đáng kể tại Việt Nam cũng như tại các vùng phân bố khác của hổ. Liên minh Bảo tồn hổ quốc tế (ITC), đại diện cho các tổ chức bảo tồn hổ trên khắp thế giới, ước tính chỉ còn khoảng 3.500 cá thể hổ hoang dã trên thế giới.

Các chuyên gia cũng ước tính, tại Việt Nam chỉ còn khoảng 30 cá thể hổ còn lại trong tự nhiên. Năm 2010, Việt Nam đã mất đi cá thể tê giác cuối cùng và nhiều nhà khoa học tin rằng, loài hổ sẽ có khả năng cao là loài động vật tiếp theo bị tuyên bố tuyệt chủng tại Việt Nam. Mối đe dọa lớn nhất đối với loài hổ tại Việt Nam là hoạt động săn bắn và buôn bán hổ trái phép.

Hổ bị buôn bán phần lớn để lấy xương để bào chế các loại thuốc cổ truyền. Ngoài ra, hổ con hay một số bộ phận cơ thể khác của hổ thường dùng để ngâm rượu. Các tiêu bản hổ nhồi bông, các bộ phận khác như da, móng, hoặc nanh hổ cũng được coi là các đồ trang trí và trang sức có giá trị cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ