Dự khai mạc lớp tập huấn có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, đại diện các Vụ, Cục, Viện (Bộ GD&ĐT), các đại biểu đến từ Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình và Hà Nội.
Sau khi phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển tham gia báo cáo chuyên đề "Những vấn đề chung về đổi mới chương trình, SGK" với các nội dung: Giải pháp then chốt, đột phá đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; Chương trình GD phổ thông là gì? Nội dung đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông; Ý nghĩa của cấu trúc hai giai đoạn GD cơ bản và GD định hướng nghề nghiệp trong chương trình GD phổ thông; Chức năng SGK? Mục tiêu GD từng cấp học...
Thứ trưởng nhấn mạnh: Đổi mới căn bản GD&ĐT là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, đổi mới về chất, đổi mới từ gốc rễ, đổi mới có tính chất bước ngoặt với tinh thần và thái độ kiên quyết để tạo ra chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả GD.
Đổi mới toàn diện là đổi mới những vấn đề cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện đảm bảo thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến các hoạt động quản trị của cơ sở GD&ĐT và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học.
Do vậy, vấn đề cốt lõi của đổi mới GD là phải chuyển mạnh quá trình GD từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học, đổi mới hệ thống GD theo hướng mở và xây dựng xã hội học tập. Nội dung đổi mới cốt lõi thứ hai đó là phải xây dựng một hệ thống GD mở hướng tới một xã hội học tập.
Đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá lại là khâu đột phá trong đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT. Chương trình GD phổ thông sẽ được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn GD cơ bản và giai đoạn GD định hướng nghề nghiệp...