Bộ GD&ĐT hãy giữ vững tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

GD&TĐ - Ghi nhận những nỗ lực hết mình của ngành Giáo dục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, các cử tri cũng bày tỏ mong muốn Bộ GD&ĐT giữ vững tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để hiện thức hóa tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 29.

Bộ GD&ĐT hãy giữ vững tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Bà Ngô Thị Phú Bình - Tổng biên tập Tạp chí Thế giới tuổi thơ: Tôi ủng hộ những quyết sách đổi mới giáo dục

Tôi ủng hộ với những quyết sách, những chủ trương đổi mới của ngành Giáo dục trong thời gian qua. Việc đổi mới này là phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới. 

Trong tiến trình không thể đảo ngược của công cuộc hội nhập thế giới, đón trước các xu hướng ngành nghề, đổi mới giáo dục để mỗi em bé Việt Nam sinh ra hôm nay trở thành những công dân tự tin với kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp của mình trong thị trường lao động thế giới tương lai.

Tôi tin rằng ngành Giáo dục đang nỗ lực hết mình để hiện thực hóa tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Nghị quyết 29. Chủ trương là đúng đắn, các biện pháp cụ thể chắc chắn sẽ gặp đa chiều ý kiến. Nhưng mong rằng Bộ GD&ĐT giữ vững tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nhưng cũng thật thận trọng, đây là một việc khó, tác động đến hơn 20 triệu học sinh, sinh viên, thầy cô giáo...

Báo chí và ngành xuất bản đã, đang và sẽ luôn là những người bạn đồng hành không thể thiếu của ngành Giáo dục trong sự nghiệp đổi mới.

Ông Trần Văn Luyện - Trưởng phòng Nghiên cứu chuyên đề khoa học và hợp tác quốc tế - Cục Tham mưu cảnh sát quản lý hành chính (thuộc Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội): Học trường phổ thông Việt Nam, con tôi giành 5 học bổng du học Mỹ

Tôi cho rằng, thế mạnh của giáo dục hiện nay là đã thực sự tập trung xoay quanh trục người dạy - người học; tập trung nâng cao năng lực người thầy, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng, tập trung vào giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên.

Tôi cũng rất đồng tình với việc giáo dục đại học Việt Nam đã và đang chú trọng liên kết với các trường đại học lớn trên thế giới; chương trình đào tạo được cập nhật thường xuyên. 

Sinh viên chương trình liên kết được cả trường đại học Việt Nam và trường đại học của trường liên kết ở nước ngoài cấp bằng, tạo điều kiện để người học sau khi ra trường có cơ hội vào làm việc trong các môi trường quốc tế.

Một thay đổi lớn của giáo dục hiện nay nữa đó là sự quan tâm đến việc đào tạo, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên. Đó là điều kiện vô cùng cần thiết giúp chúng ta hội nhập với khu vực và quốc tế.

Cá nhân tôi có con gái từng là học sinh lớp chuyên ngữ của Trường phổ thông Lomonoxop (Hà Nội). Bản thân cháu hầu như chỉ học ngoại ngữ trong nhà trường, rất ít ôn luyện ở bên ngoài nhưng đã giành được học bổng của 5 trường đại học ở Mỹ và là 1 trong số sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhất toàn khóa Trường tổng hợp NewYork.

Hiện cháu đang làm trợ lý tổng giám đốc một tập đoàn khách sạn của Pháp và thành thạo 3 ngoại ngữ là Anh, Pháp và tiếng Trung. Những thành quả cháu có hôm nay có phần rất lớn từ những năm được đào tạo trong nhà trường phổ thông tại Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ