Bộ GD&ĐT đang triển khai đúng tinh thần Nghị quyết

GD&TĐ - GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - khẳng định khi trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại  liên quan đến các bước triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT, đặc biệt trong lĩnh vực đổi mới thi, tuyển sinh hiện nay.

Mọi phương thức tuyển sinh đều phải đặt quyền lợi của HSSV lên hàng đầu
Mọi phương thức tuyển sinh đều phải đặt quyền lợi của HSSV lên hàng đầu

Nghị quyết số 29-NQ/T.Ư có đề cập đến việc đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH. GS có nhận định gì về những bước triển khai đổi mới tuyển sinh GD ĐH trên tinh thần Nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT của Bộ GD&ĐT?

- Nghị quyết 29 của Hội nghị T.Ư 8 khóa XI nêu rõ: “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học...

Đổi mới phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hướng kết hợp sử dụng kết quả học tập ở phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo...

Giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học”.

Luật Giáo dục ĐH quy định: Phương thức tuyển sinh gồm: Thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển; cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.

Tôi muốn nhấn mạnh, Nghị quyết T.Ư 8 khóa 11 nêu “tuyển sinh” chứ không phải là “xét tuyển”. Có nghĩa là, các trường còn có thể lấy cả kết quả học tập ở phổ thông làm cơ sở, là một thành tố để sử dụng phục vụ công tác tuyển sinh. 

Điều đó không có nghĩa là bỏ thi ĐH, lấy kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển vào ĐH. Hai cái đó khác hẳn nhau. Các trường có thể lựa chọn xét tuyển, trường lựa chọn thi tuyển hoặc vừa xét tuyển, vừa thi tuyển.

Tôi cho rằng, Bộ GD&ĐT đang triển khai đúng với tinh thần Nghị quyết.

GS Đào Trọng Thi
GS Đào Trọng Thi 

Tự chủ không có nghĩa muốn làm gì thì làm

Thưa GS, dường như quyền tự chủ của các trường ĐH hiện nay đang được hiểu là thỏa sức làm theo ý mình. Vậy cách hiểu này - theo GS có đúng không?

- Quyền tự chủ không có nghĩa là tự làm tất cả mọi việc. Quyền tự chủ là có quyền quyết định và lựa chọn. Bộ GD&ĐT tổ chức thi “3 chung”, các trường thích thì đăng ký tham gia - đó là tự chủ.

Nhưng tự chủ không có nghĩa là muốn làm gì thì làm. Tự chủ nhưng phải trong khuôn khổ một hành lang pháp lý. Ví dụ, các trường tự chủ tuyển sinh nhưng Bộ GD&ĐT vẫn phải ban hành quy chế tuyển sinh; các trường tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, với đầy đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Đáng chú ý, tự chủ phải đi đôi với tự chịu trách nhiệm. Trong tương lai, các cơ quan quản lý Nhà nước phải kiểm tra sau khi các trường triển khai thực hiện, xem có đúng Luật, đúng quy định không.

Nhưng hiện ở Việt Nam, việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm còn mới, bởi vậy, nếu để các trường tự chủ rồi hậu kiểm, đến khi sai mới xử lý thì người gánh chịu hậu quả lại là học sinh, sinh viên, nhà trường tổn thất 1 thì học sinh - sinh viên tổn thất 10. Trong trường hợp ấy, Nhà nước lại phải đứng ra giải quyết hậu quả.

Chính bởi vậy, trong điều kiện xã hội nước ta hiện nay, đôi khi cơ quan Nhà nước phải chủ động xem xét trước, tức là tiền kiểm chứ không phải hậu kiểm. 

Cho dù tự chủ là thiên về hậu kiểm – nhưng chỉ khi tự chủ đã trở thành thói quen, còn hiện tại ta chưa quen tự chịu trách nhiệm, trong trường hợp này còn liên quan đến học sinh sinh viên -  con em của đông đảo nhân dân. Bởi vậy, cơ quan quản lý đôi khi phải tham gia vào tiền kiểm.

Bộ GD&ĐT đã làm rất đúng, chỉ yêu cầu các trường có đề án tuyển sinh riêng thì đưa Bộ xem xét xác nhận có đúng yêu cầu của quy định hay không. 

Nếu không đúng yêu cầu thì Bộ gợi ý để các trường chỉnh sửa lại. Bộ GD&ĐT không phê duyệt, không “xin – cho”. Như thế là đúng, phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay.

Vậy với nhận định của GS, có thể lý giải như thế nào về các đề xuất của một số trường về việc bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH, bỏ điểm sàn…?

- Tôi nghĩ xuất phát đề xuất có thể do nhận thức, do quan điểm, do các trường ĐH ngoài công lập, các trường ĐH địa phương mới thành lập khó khăn trong việc tuyển sinh. Và có thể nếu không giải quyết được bài toán tuyển sinh thì sẽ liên quan đến việc tồn tại của các trường.

Theo tôi, đó là một băn khoăn chính đáng. Nhưng con đường lâu dài là các trường phải khẳng định mình bằng uy tín và chất lượng. Những đề xuất như kiểu bỏ điểm sàn, bỏ thi tuyển sinh ĐH… thì chỉ kéo dài được nhà trường một thời gian thôi. 

Xã hội, người dân rất hiểu biết, tỉnh táo, sáng suốt, người ta không dại gì cho con em vào học ở trường ĐH nào đó mà cuối cùng sau khi tốt nghiệp không đảm bảo được tương lai.

Các trường ngoài công lập về lâu dài phải hướng theo con đường khẳng định mình bằng chất lượng. Ở các nước, trường ĐH ngoài công lập thậm chí còn hướng đến việc chất lượng đào tạo cao hơn cả trường công lập. 

Trường ĐH công lập vì dùng tiền thuế của nhân dân nên phải đáp ứng nhu cầu của số đông. Còn trường ngoài công lập sẽ đáp ứng một bộ phận có thu nhập cao trong xã hội, có điều kiện chi trả để hưởng thụ một chương trình giáo dục có chất lượng cao hơn trường công. Đây mới là yếu tố đảm bảo sự tồn tại lâu dài, đúng hướng.

Chất lượng đầu vào thể hiện uy tín và năng lực của cơ sở đào tạo ĐH
Chất lượng đầu vào thể hiện uy tín và năng lực của cơ sở đào tạo ĐH 

Không thể đốt cháy giai đoạn

GS vừa nhắc đến mô hình phát triển giáo dục, thi cử ở nước ngoài. Vậy nếu cứ theo cách viện dẫn họ làm thế nào, triển khai ra sao rồi về áp dụng tại Việt Nam - liệu có phù hợp, thưa GS?

- Ta vừa vào con đường tự chủ, nếu để các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm ngay như ở mô hình nước ngoài thì cuối cùng ai là người chịu trách nhiệm trước học sinh – sinh viên? Tôi nói rồi, cuối cùng Nhà nước lại phải đứng ra giải quyết, không thể để con em nhân dân lao động bị bỏ rơi.  

Hai hoàn cảnh khác nhau nên đừng viện dẫn để mình phải làm theo. Ta đang ở những bước đầu, họ đã đi vào ổn định, làm sao mà lấy kinh nghiệm của họ để áp dụng cho Việt Nam được.

Ở các nước, các trường ĐH có đủ chỗ để đáp ứng được nhu cầu học đại học của người dân. Ở Việt Nam, rất nhiều người muốn học ĐH, nhưng các nhà trường chỉ đáp ứng được một phần thôi. 

Vì vậy, để đảm bảo công bằng trong việc ai được vào học ĐH, ai không - phải có sự so sánh, tốt nhất là các điểm thi. Và để biết được em nào phù hợp với ngành học trong trường ĐH, thì có khối thi…

Việt Nam đang bắt đầu triển khai tự chủ trong giáo dục. Mô hình giáo dục ở các nước tiên tiến là tương lai của chúng ta. Và để phấn đấu được như vậy thì cần có thời gian, không thể đốt cháy giai đoạn. Quan trọng nhất là phải quyết định cái gì phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mình.

Với kinh nghiệm quản lý của mình, theo GS, các nhà quản lý cần cân nhắc, lắng nghe dư luận như thế nào để đưa ra quyết định cuối cùng?

Theo tôi, cần lắng nghe, tôn trọng và cân nhắc kỹ các ý kiến của dư luận. Khi được giao thẩm quyền thực hiện thì cần có sự lựa chọn, dư luận phù hợp thì tiếp thu, không phù hợp thì trao đổi, giải thích để dư luận hiểu, thống nhất với sự lựa chọn của người quản lý.

Trách nhiệm của người quản lý là phải tỉnh táo, sáng suốt đưa ra quyết định cuối cùng và chịu trách nhiệm trước xã hội, trước đất nước.

Xin cảm ơn GS!

Bài học “i tờ” về nhận thức

Đã là Nghị quyết của Đảng, phải thể chế hóa bằng pháp luật; ngược lại, pháp luật là phải thể chế chủ trương chính sách của Đảng. Không có chuyện mâu thuẫn giữa pháp luật và chủ trương chính sách của Đảng.

Chủ trương của Đảng chỉ có thể đi vào cuộc sống khi được thể chế hóa và pháp luật chính là thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước. Đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật. Đó là bài học “i tờ” về nhận thức, về cuộc sống, về pháp luật, ai cũng biết cả!

GS Đào Trọng Thi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ