Bộ GD&ĐT đã cân nhắc kỹ khi đề xuất bỏ điểm sàn tuyển sinh ĐH

GD&TĐ - Theo Dự thảo Quy chế tuyển sinh thi ĐH năm 2017, Bộ GD&ĐT dự kiến bỏ quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Như vậy, việc bỏ quy định về điểm sàn đồng nghĩa với việc trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH, còn các thí sinh có quyền đăng ký bất kỳ trường nào, ngành nào với mức điểm thi không giới hạn. 

Bộ GD&ĐT đã cân nhắc kỹ khi đề xuất bỏ điểm sàn tuyển sinh ĐH

Dự kiến này đã nhận được hai luồng ý kiến trái chiều: Một bên phản đối, một bên đồng tình. Vừa là người dân, vừa là cán bộ quản lý GD lâu năm, tôi cho rằng đề xuất của Bộ GD&ĐT là hợp lý và đã có sự cân nhắc kỹ.

Cái lý của sự phản đối

Tất nhiên, quan điểm phản đối việc bỏ điểm sàn cũng có cái lý của mình, đặc biệt nhiều ý kiến theo hướng này chỉ ra những hậu quả tiêu cực khôn lường khi bỏ điểm sàn ĐH:

Thứ nhất, các trường ĐH tốp dưới, khó tuyển sinh trong những năm trước sẽ được “thả cửa” tuyển sinh trong năm học tới; kéo theo đó là chất lượng nguồn nhân lực sẽ bị giảm sút đáng kể.

Thứ hai, việc học ĐH sẽ mất đi ít nhiều những giá trị do sự cạnh tranh không còn cao, không tuyển được những người đạt tiêu chuẩn về kiến thức. Thực tiễn cho thấy, thời gian gần đây, chất lượng đào tạo của các cử nhân tốt nghiệp ĐH ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập. Trình độ, tay nghề của người sở hữu tấm bằng không tương ứng với kết quả được ghi trên tấm bằng đó. Vì vậy, việc cử nhân ra trường không có việc làm, không làm được việc đang ở mức báo động. Nếu tiếp tục thả nổi cánh cửa xét tuyển đầu vào như sắp tới, e rằng chất lượng nguồn nhân lực của ĐH đào tạo ra sẽ còn xuống thấp hơn nữa.

Thứ ba, các trường ĐH sẽ bị phân hóa rõ rệt. Nghĩa là thí sinh có năng lực sẽ chọn các trường ĐH lớn, chất lượng. Về phía cơ sở đào tạo, việc thu hút càng nhiều thí sinh sẽ giúp cho nguồn tài chính càng thêm dồi dào mà không chịu bất cứ quy định trói buộc nào.

Thứ tư, hầu như các trường CĐ, trung cấp sẽ cạn nguồn tuyển, khi mà cánh cửa vào ĐH đã mở toang cho bất cứ ai có nhu cầu và khả năng chi trả cho việc học.

Cuối cùng, việc bỏ quy định điểm sàn sẽ đi ngược lại với mục tiêu định hướng nguồn nhân lực của xã hội. Khi thí sinh đồng loạt có nhu cầu vào học trong một số ngành, nghề được coi là “hót” thì các cơ sở đào tạo tất nhiên sẽ tìm cách đáp ứng. Điều này sẽ dẫn tới việc thừa, thiếu nguồn nhân lực cục bộ ở các ngành nghề, ảnh hưởng đáng kể tới các mục tiêu phát triển.

Cần nhìn nhận sâu rộng hơn

Những người đồng tình, ủng hộ lại đưa ra ý kiến, phân tích, minh chứng cũng rất xác đáng. Hai năm nay, Bộ GD&ĐT đã cho phép các trường có thể tuyển sinh riêng bằng cách xét học bạ THPT, nhưng các trường cũng không tuyển được nhiều thí sinh theo phương thức này. Năm 2016, Bộ GD&ĐT có quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, song có hơn 100.000 thí sinh trên ngưỡng không nộp đăng ký xét tuyển, trong khi đó, nhiều trường tuyển không đủ chỉ tiêu.

Thực tế trên cho thấy, thí sinh ngày nay đã có sự tính toán, lựa chọn trường mà không cố vào ĐH bằng mọi giá. Vì thế, không phải các trường cứ hạ điểm chuẩn là có thể tuyển đủ chỉ tiêu. Trái lại, việc hạ thấp điểm chuẩn làm cho uy tín của trường bị ảnh hưởng, càng khiến cho thí sinh “quay lưng”.

Mặt khác, khi được trao quyền chủ động tuyển sinh, nhiều trường ĐH sẽ được tự do đưa ra những chiến lược, kế hoạch để tuyển sinh sao cho phù hợp với đặc thù ngành, nghề mà ngôi trường đó đào tạo. Điều đó hoàn toàn có lợi cho những sinh viên tương lai và cho chính danh tiếng của cơ sở đào tạo. Bởi kết quả thi ĐH không phải yếu tố duy nhất để đánh giá năng lực của thí sinh, cũng như để “đo” xem thí sinh đó liệu có “triển vọng” để theo đuổi ngành nghề mình đã chọn hay không.

Người học đã tốt nghiệp THPT (và có đăng ký xét tuyển) là có đủ điều kiện để vào ĐH, nhưng hầu hết các trường ĐH đều có các quy định, tiêu chuẩn riêng trong tuyển sinh. Bởi mục tiêu của các trường là tuyển đủ chỉ tiêu nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng đầu vào. Theo đó, trường có chất lượng cao sẽ có tiêu chuẩn xét tuyển cao hơn. Hơn nữa, có thể ở nước ta chuyện mở cửa đầu vào, siết chặt đầu ra là mới mẻ; nhưng với các nước phát triển trên thế giới và ngay trong khu vực, đó lại là định hướng giáo dục đã được áp dụng từ lâu.

Là cán bộ quản lý GD cấp THPT đã nhiều năm, tôi hoàn toàn đồng tình với chủ trương bỏ điểm sàn ĐH của Bộ GD&ĐT. Đây là một hướng đi mới ở nước ta, phù hợp với nhiều mô hình ĐH trên thế giới, giúp các trường ĐH được quyền tự chủ theo Luật GD ĐH; còn người học có quyền quyết định, lựa chọn bậc học, ngành học của mình sau khi hoàn thành bậc THPT. Đã đến lúc, chúng ta cần xem các trường ĐH như là một “sân chơi” bình đẳng, tự chủ phát triển, cạnh tranh nhau. Trường nào đào tạo kém cỏi, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động thì tự khắc bị đào thải.

Trong sự chuyển động đó, đòi hỏi các trường ĐH tự cân nhắc khi đặt điều kiện đầu vào của trường cho phù hợp; để đảm bảo chất lượng nhằm xây dựng uy tín và thương hiệu riêng. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng cần đặt ra các yêu cầu nghiêm ngặt đối với các trường ĐH về việc công khai điều kiện đảm bảo chất lượng, báo cáo tình hình sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm, công khai chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia; đồng thời, triển khai mạnh mẽ kế hoạch kiểm định chất lượng.

Việc kiểm soát chất lượng, do đó không chỉ tập trung ở đầu vào mà được thực hiện trong suốt quá trình đào tạo. Công tác hỗ trợ, tư vấn, hướng nghiệp cho HS ở các trường THPT cần làm tốt hơn, để các em có định hướng nghề nghiệp phù hợp năng lực. Tất nhiên, khi bỏ điểm sàn ĐH, chắc chắn trong thời gian đầu không tránh khỏi bất cập khi triển khai thực tế ở cơ sở. Điều đó đòi hỏi sự tăng cường quản lý của Bộ GD&ĐT cũng như các cơ quan liên quan trong công tác tuyển sinh, triển khai đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ