Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận tiếp và làm việc việc với đoàn lãnh đạo tỉnh Cao Bằng. Ảnh: gdtd.vn |
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, toàn tỉnh hiện có 533 trường học với 93 trường mầm non, 208 trường tiểu học, 65 trường PTCS, 121 trường THCS, 9 trường THPT nhiều cấp học, 21 trường THPT; 14 TTGDTX…100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh có cơ sở giáo dục mầm non; hầu hết xã, phường, thị trấn có trường tiểu học và THCS; 100% huyện, thị có từ 1-4 trường THPT. Toàn tỉnh có 11 trường PTDTNT. Tỷ lệ huy động học sinh học nhà trẻ đạt 12,9%; mẫu giáo 79,1%, riêng trẻ 5 tuổi đạt 86,6%; tiểu học huy động 101,46%; THCS 79,08%, đảm bảo được tiêu chí phổ cập; THPT thu hút được 58,3%, bước đầu thực hiện phân luồng học sinh sau THCS…
Trong những năm qua, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý ngành GD&ĐT Cao Bằng tăng lên nhanh chóng cả về số lượng và trình độ đào tạo. Hiện toàn ngành có 11062 công, viên chức, trong đó 2521 người trình độ ĐH, 62 thạc sĩ và 1 tiến sĩ. Toàn tỉnh hiện có 6212 phòng học, trong đó phòng học kiên cố chiếm 59,94%, bán kiên cố 30,3% và phòng học tạm còn 9,35%.
Về chất lượng GD&ĐT, các bậc học, ngành học phát triển cả về số lượng và chất lượng, tỷ lệ học sinh yếu kém giảm dần, tỷ lệ học sinh khá giỏi tăng đáng kể; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp hàng năm tăng tương đối bền vững. Đặc biệt, tỷ lệ học sinh trong tỉnh đỗ vào các trường ĐH, CĐ cũng tăng dần trong những năm qua…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, ngành giáo dục của tỉnh vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Cán bộ giáo viên vùng sâu, vùng xa một số nơi còn thiếu nhà ở, chưa có điện thắp sáng, thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, thiếu phương tiện thông tin. Hầu hết các trường đều chưa có phòng thư viện, phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn; đa số các trường vùng sâu, vùng xa thiếu công trình vệ sinh, một số trường thiếu nguồn nước sinh hoạt.
Đặc biệt, hiện nay, học sinh bán trú dân nuôi tại Cao Bằng đang phải sống tạm bợ trong các lán trại tự làm hoặc ở nhà dân xung quanh trường, cuộc sống quá khó khăn, không đảm bảo an toàn ảnh hưởng đến việc duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng dạy học.
Bên cạnh đó, công tác thực hiện phổ cập THCS của tỉnh cũng còn nhiều khó khăn, kết quả phổ cập chưa đảm bảo tính bền vững; số xã phổ cập tiểu học đúng độ tuổi tuy đạt được mục tiêu của tỉnh đề ra nhưng thấp so với tỷ lệ chung của cả nước. Việc triển khai thực hiện PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi ở Cao Bằng càng gặp khó với mạng lưới trường mầm non chưa đáp ứng được yêu cầu phổ cập. Hiện toàn tỉnh có 93 trường, trong đó chỉ có 92/199 xã có trường mầm non. Điều kiện cơ sở vật chất thiết bị, đồ dùng đồ chơi phục vụ dạy học cũng chưa đáp ứng yêu cầu phổ cập. Ở vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp còn nhiều khó khăn, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ chưa đảm bảo…
Trước những khó khăn trên, đoàn lãnh đạo tỉnh Cao Bằng đề nghị Bộ GD&ĐT sớm đầu tư kinh phí xây dựng các TTGDTX; cấp kinh phí xây dựng nhà ở cho học sinh bán trú dân nuôi; tăng vốn đầu tư thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012; nghiên cứu xem xét cấp đủ kinh phí thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Trao đổi với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đánh giá cao những cố gắng của ngành giáo dục Cao Bằng, của các thầy cô giáo, học sinh và của lãnh đạo, nhân dân tỉnh Cao Bằng trong phát triển giáo dục. Bộ trưởng cho rằng, tình hình giáo dục Cao Bằng đã có những biến chuyển, dù chưa thể so với những địa phương có điều kiện thuận lợi hơn, song đó là những kết quả đáng qúy trong điều kiện khó khăn của tỉnh và so với chính giáo dục Cao Bằng trước đây.
Trước những đề nghị của lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, Bộ trưởng khẳng định: Khi các đề án, chương trình mục tiêu được phê duyệt và có kinh phí thực hiện, Bộ đã và sẽ ưu tiên cho những tỉnh khó khăn như Cao Bằng. Theo Bộ trưởng, Cao Bằng nên cố gắng phấn đấu đạt những mục tiêu phù hợp với tình hình thực tế, không phải đặt ra các chỉ tiêu quá cao (vượt quá khả năng thực hiện). Quan trọng nhất là làm sao có đủ trường, lớp kiên cố để học sinh được đi học và ngày càng có điều kiện học tập tốt hơn.
Hiếu Nguyễn
TIN LIÊN QUAN |
---|