Bộ GD&ĐT: Tiếp tục triển khai công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng

GD&TĐ - Ngày 20/8, Bộ GD&ĐT đã có công văn số 3567/BGDĐT-GDĐH về việc tiếp tục triển khai công tác tuyển sinh trình độ đại học; trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2021

Thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Ảnh: Internet
Thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Ảnh: Internet

Công văn do Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn ký và được gửi đến các đại học, học viện, trường đại học; Các trường cao đẳng tuyển sinh ngành Giáo dục Mầm non (gọi chung là các trường) và các sở GD&ĐT. 

Rà soát lại đề án tuyển sinh

Việc tổ chức thi các môn năng khiếu, Bộ GD&ĐT cho biết: Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các địa phương phải tuân thủ nghiêm túc quy định giãn cách và phòng, chống dịch bệnh; các trường cần nghiên cứu phương án tổ chức thi các môn năng khiếu, có thể kết hợp giữa gửi bài thi và đánh giá trực tuyến như kinh nghiệm một số trường đã triển khai hiệu quả.

Bộ GD&ĐT đề nghị các trường tiếp tục rà soát đề án tuyển sinh và tiếp nhận hồ sơ xét tuyển. Cụ thể, các trường rà soát lại đề án tuyển sinh, thông báo tuyển sinh bao gồm: chỉ tiêu, ngành, tổ hợp xét tuyển; bài thi/môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển, mức chênh lệch điểm giữa các tổ hợp so với tổ hợp gốc, tiêu chí phụ, môn năng khiếu, điểm xét tuyển môn năng khiếu (nếu có), các phương thức, điều kiện xét tuyển bổ sung (nếu có)...; đảm bảo chính xác với cơ sở dữ liệu đã khai báo trong Hệ thống nghiệp vụ thi và tuyển sinh (trang Nghiệp vụ); đồng thời cập nhật chính xác, đầy đủ danh sách thí sinh đạt sơ tuyển lên hệ thống.

Đối với các trường có ngành đào tạo giáo viên phải rà soát và cập nhật chính xác chỉ tiêu sư phạm đã được Bộ GD&ĐT giao tại Công văn số 2115/BGĐT-GDĐH ngày 24/5/2021 và các văn bản liên quan, chỉ tiêu các ngành mới mở lên trang Báo cáo xác định chỉ tiêu và trang Nghiệp vụ, đồng thời đồng bộ đề án tuyển sinh tại Cổng thông tin tuyển sinh, đảm bảo các thông tin phải thống nhất, chính xác.

Trong trường hợp cần điều chỉnh, bổ sung nội dung đề án thì phải tuân thủ các quy định, hướng dẫn và việc điều chỉnh không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào trường.

Ví dụ: trường mở thêm ngành và điều chỉnh chỉ tiêu cho ngành mới mở; lượng thí sinh đăng ký thấp hơn chỉ tiêu dự kiến một số ngành nên cần điều chỉnh chỉ tiêu dư cho các ngành gần trong nhóm ngành; điều chỉnh để thống nhất thông tin khai báo trên Hệ thống nghiệp vụ với báo cáo xác định chỉ tiêu và đề án tuyển sinh đã công khai trên trang thông tin điện tử của trường....

Bộ cũng yêu cầu các trường cập nhật các nội dung thay đổi trong Đề án lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ để báo cáo và phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra; đồng thời công bố trên trang thông tin điện tử của trường trước ngày 29/8 để thí sinh biết và xã hội giám sát.

Thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Ảnh: Internet
Thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Ảnh: Internet

Linh hoạt phương án nhập học 

Đối với các thí sinh đủ điều kiện đã đăng kí dự thi nhưng không tham dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT được do giãn cách xã hội, hai đại học quốc gia đã có kế hoạch thi đánh giá năng lực cho nhóm thí sinh này; trong đó có cả các thí sinh đã tốt nghiệp trước năm 2021. Vì vậy, ngoài đối tượng thí sinh được xét đặc cách tốt nghiệp THPT năm 2021, các trường xem xét tiếp nhận hồ sơ xét tuyển đối với cả các thí sinh đã tốt nghiệp trước năm 2021.

Về tổ chức nhập học và xác nhận nhập học cho thí sinh, Bộ GD&ĐT lưu ý: Do diễn biến dịch bệnh phức tạp, nhiều thí sinh chưa thể nộp được bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi cho các trường để nhập học.

Các trường cần xem xét các phương án: Thứ nhất, các trường gia hạn thời gian nhận hồ sơ xác nhận nhập học cho thí sinh.

Thứ hai, các trường xác nhận nhập học trực tuyến. Cụ thể:

Nếu thí sinh đã nhận được bản chính kết quả thi tốt nghiệp THPT, các trường hướng dẫn thí sinh gửi ảnh mã vạch qua các hình thức trực tuyến để xác nhận và nhập mã vạch lên hệ thống (các trường cần quy định và thông báo rõ cho thí sinh biết về: quy trình triển khai, yêu cầu chỉ xác nhận nhập học tại một cơ sở đào tạo, các hình thức cam đoan của thí sinh);

Đối với thí sinh chưa nhận được bản chính kết quả thi tốt nghiệp THPT, các trường hướng dẫn thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến vào danh sách của trường, và khi nhận được kết quả thi thì thực hiện như trên.

Thí sinh đến nhập học vào Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội năm 2020. Ảnh: NTCC
Thí sinh đến nhập học vào Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội năm 2020. Ảnh: NTCC

Bộ GD&ĐT tiếp tục hỗ trợ các trường lọc ảo

Để đảm bảo công tác xét tuyển được thực hiện đúng Quy chế và diễn ra nghiêm túc, an toàn, Bộ GD&ĐT yêu cầu tất cả các trường cử cán bộ tuyển sinh tham gia thực hành các chức năng phần mềm trên hệ thống thi tuyển sinh.

Từ ngày 23/8/2021 đến ngày 25/8/2021 thực hiện xét tuyển với cơ sở dữ liệu giả lập; quy trình, thời gian, vai trò của các trường được hướng dẫn tại  PHỤ LỤC 1 

Năm 2021, Bộ GD&ĐT tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho các trường về: thông tin tuyển sinh trên Cổng thông tin tuyển sinh, thống kê nguyện vọng thí sinh, phần mềm xét tuyển (các trường phải cập nhật đúng phiên bản phần mềm xét tuyển), lọc ảo... để giúp các trường thực hiện tuyển sinh thuận lợi.

Tuy nhiên, các trường cần lưu ý phần mềm lọc ảo chỉ làm nhiệm vụ lọc bỏ những thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng cao hơn vào trường khác ra khỏi danh sách trúng tuyển dự kiến mà trường gửi lên Hệ thống, không có chức năng điều chỉnh chỉ tiêu, điểm chuẩn mà trường đã xác định.

Các trường tự chủ trong công tác tuyển sinh và phải chịu trách nhiệm trong việc xác định chỉ tiêu, xác định điểm trúng tuyển vào các ngành/nhóm ngành đào tạo của trường; nếu trường xác định danh sách trúng tuyển dự kiến không sát với thực tế dẫn đến tuyển vượt chỉ tiêu đã đăng ký thì nhà trường và cá nhân liên quan hoàn toàn chịu trách nhiệm và sẽ bị xử lý theo Điều 29 của Quy chế tuyển sinh hiện hành. Những trường tuyển không đủ chỉ tiêu trong đợt 1 có thể tiếp tục xét tuyển các đợt bổ sung.

Kế hoạch xét tuyển và lọc ảo được quy định tại PHỤ LỤC 2 . Các nhóm trường xét tuyển, lọc ảo và tất cả các trường (trong và ngoài nhóm trường xét tuyển) phải chủ động trong quá trình tuyển sinh và tương tác với phần mềm xét tuyển, lọc ảo theo lịch chung.

Đặc biệt, các trường phải triệt để tuân thủ và thống nhất thực hiện quy định: Danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức vào trường là danh sách thí sinh được phần mềm lọc ảo toàn quốc gửi lại trường (trên cơ sở danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển do trường tải lên hệ thống) sau khi lọc ảo lần cuối cùng vào ngày 15/9/2021, các trường tuyệt đối không được điều chỉnh danh sách trúng tuyển chính thức này.

Để danh sách thí sinh trúng tuyển sát với chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường, nhóm trường xét tuyển thực hiện: Bố trí cán bộ có kinh nghiệm trong việc thống kê số liệu, phân tích dữ liệu, xử lý thông tin… về tuyển sinh để kiểm soát tỉ lệ thí sinh ảo phù hợp với từng trường, từng ngành/nhóm ngành đào tạo và quy trình tuyển sinh. Tương tự như năm 2020, trong đợt 1 xét tuyển năm 2021 thí sinh chỉ trúng tuyển vào một trường duy nhất, do vậy chỉ còn tỉ lệ ảo do thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học.

Hiện nay, một số trường đã tự nguyện hình thành nhóm xét tuyển khu vực phía Bắc và nhóm xét tuyển khu vực phía Nam. Các nhóm cần thống nhất việc hỗ trợ lẫn nhau trong xét tuyển và lọc ảo.

Các trường cần lưu ý tính toán việc điều chỉnh điểm dự kiến trúng tuyển, danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển sau mỗi lần lọc ảo trong nhóm và lọc ảo toàn quốc để đảm bảo danh sách thí sinh chính thức trúng tuyển vào trường sau lần cuối cùng lọc ảo toàn quốc (ngày 15/9/2021) sát với chỉ tiêu tuyển sinh của trường.

Các trường, nhóm trường lưu ý bảo mật thông tin trong suốt quá trình xét tuyển, lọc ảo; lưu ý cấu hình máy tính phục vụ công tác xét tuyển, lọc ảo (đặc biệt các trường có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển lớn).

>>>> XEM CHI TIẾT CÔNG VĂN TẠI ĐÂY

Các trường công bố điểm trúng tuyển phải kèm theo việc công bố thang điểm xét tuyển và công bố thông tin tiêu chí phụ (nếu có). Cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển, nhập học các đợt, phương thức xét tuyển, các hình thức đào tạo theo đúng cấu trúc dữ liệu, đúng quy định trong các danh mục về  tuyển sinh (trường phổ thông, xã khó khăn, xã đặc biệt khó khăn...) và đúng thời gian quy định. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ