Bộ GD&ĐT: Tập trung cao độ tổ chức an toàn đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Ngày 21/7, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ GD&ĐT chỉ đạo cuộc họp của thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ).

Thứ trưởng Ngô Thị Minh chỉ đạo cuộc họp thường trực Ban chỉ đạo.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh chỉ đạo cuộc họp thường trực Ban chỉ đạo.

Tinh thần được đưa ra đó là toàn ngành giáo dục cần phối hợp với các ban, ngành liên quan tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Ngay trước mắt cần phải tập trung cao độ cho đợt 2 của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sắp diễn ra.

Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của ngành Giáo dục.

Theo báo cáo của BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 Bộ GD&ĐT, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học và hoàn thành chương trình năm học 2020-2021. Nhiều thời gian trong năm học, học sinh đã phải tạm dừng việc học trực tiếp trên lớp và chuyển sang hình thức học trực tuyến.

Nhiều trường học các cấp đã phải hoàn thành năm học 2020-2021 muộn so với kế hoạch do đợt dịch Covid-19 lần thứ tư diễn ra đúng vào thời gian thi học kỳ 2. Kế hoạch tuyển sinh đầu cấp của nhiều địa phương phải thay đổi do chưa tổ chức khảo sát học kỳ 2 đối với học sinh lớp 5 và chưa tổ chức thi vào lớp 10.

Đối với giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập đang gặp khó khăn rất lớn đối với việc có thể duy trì. Cùng với đó, việc chuẩn bị tâm lý, kỹ năng cho trẻ cuối cấp mầm non chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 cũng gặp khó khăn. Xây dựng kênh để cung cấp học liệu, tư liệu chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non cho cha mẹ trẻ trong khi phải tạm nghỉ ở nhà để phòng, chống dịch Covid-19...

Trong bối cảnh đó, các cơ sở giáo dục trong cả nước đã nghiêm túc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo các chỉ đạo điều hành. Các Sở GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để tổ chức truy vết F1, F2… và hướng dẫn học sinh sinh viên, giáo viên khai báo y tế theo đúng quy định. Số trường học thường xuyên cập nhật thông tin trên ứng dụng phần mềm An toàn Covid-19 theo yêu cầu tối thiểu 2 lần/tuần tính đến 19/7/2021 đạt tỷ lệ 84,7%.

Cả nước đã có 150 cơ sở giáo dục đại học chuyển hình thức giảng dạy từ trực tiếp sang trực tuyến để phòng chống dịch Covid-19. Một số cơ sở giáo dục đại học thuộc khối ngành sức khỏe đã bố trí giảng viên, sinh viên tình nguyện vào vùng dịch hỗ trợ công tác chăm sóc và truy vết người nhiễm.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh chỉ đạo cuộc họp thường trực ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ GD&ĐT.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh chỉ đạo cuộc họp thường trực ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ GD&ĐT.

Mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên, đợt 1 của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, số thí sinh tham dự đạt hơn 96% tổng số thí sinh của năm 2021. Hiện tại còn 42 tỉnh, thành phố với hơn 26 nghìn thí sinh chưa thể dự thi đợt 1 của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Trước, trong và sau đợt 1 của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 các hội đồng thi trong cả nước đã thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và triển khai các phương án dự phòng nên đã xử lý kịp thời các tình huống bất thường, đảm bảo tổ chức đợt 1 của kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Một số địa phương phát hiện thí sinh dự thi nhiễm Covid-19 khi thí sinh đến làm thủ tục thi và trong ngày thi. Do đó, các địa phương đã quyết định hủy một số điểm thi chuyển sang đợt thi thứ 2, hoặc thực hiện giãn cách để tổ chức thi cho các thí sinh. Tổ chức cách ly thí sinh và cán bộ làm thi có liên quan đến các ca bệnh Covid-19 theo quy tình phòng chống dịch của Bộ Y tế.

Tập trung phòng chống dịch Covid-19 khi tổ chức đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước, có những ngày ghi nhận tới gần 5000 ca nhiễm. Do đó, toàn ngành Giáo dục phải tập trung cao độ, không được chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong ngành Giáo dục cố gắng không gây hoang mang cho học sinh, giáo viên.

Đối với công tác chuẩn bị cho đợt 2, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho rằng cần hết sức sáng tạo trong việc phối hợp với các địa phương để tổ chức thi. Tuy nhiên, cũng không được chủ quan trong bất kỳ khâu nào của kỳ thi, nhất là việc phòng, chống dịch bệnh.

Toàn cảnh cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh một lần nữa nhấn mạnh yếu tố an toàn cho thí sinh, cho cán bộ làm thi, cho điểm thi phải được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, cũng không được coi nhẹ yếu tố nghiêm túc, chất lượng của kỳ thi. Phải đảm bảo sự công bằng, nghiêm túc của các thí sinh thi đợt 1 và thi đợt 2. Do đó, tất cả các khâu trước, trong và sau đợt thi thứ hai phải được thực hiện đầy đủ quy chế của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đảm bảo quyền lợi cho mọi thí sinh.

"Phải tổ chức đợt 2 của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 thực sự an toàn. Nhưng phải đảm bảo mục tiêu của kỳ thi là công bằng, nghiêm túc, khách quan, công tâm. Tất cả mọi khâu của kỳ thi phải được kiểm tra, kiểm soát kỹ lưỡng." – Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh yêu cầu, việc tổ chức kỳ đợt 2 của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, trong tất cả các khâu của kỳ thi, kể cả việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng cần phải rà soát cẩn trọng, có đầu mối cụ thể cho từng khâu và lường tính mọi tình huống có thể xảy đến. Đối với các đoàn thanh tra, kiểm tra đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Thứ trưởng Ngô Thị Minh yêu cầu cần có các biện pháp và phương án cụ thể đảm bảo an toàn cho từng đoàn công tác.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị các thành viên BCĐ phòng, chống Covid-19 của Bộ GD&ĐT phát huy vai trò tham mưu của mình đối với lãnh đạo để kịp thời có các điều hành đúng và trúng. Đồng thời có những điều chỉnh kịp thời trong việc dạy và học của ngành Giáo dục, đảm bảo hai mục tiêu song hành là chất lượng giáo dục và an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Theo số liệu thống kê từ Bộ Y tế, tính đến ngày 19/7/2021, trên phạm vi cả nước, số giáo viên, học sinh nhiễm Covid-19 là 418 trường hợp, trong đó có 363 trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên; 55 cán bộ, giáo viên, nhân viên; 3.137 trường hợp F1. Trong đó, số ca F0 nhiều nhất là tại tỉnh Bắc Ninh với 181 học sinh, 8 giáo viên; Số ca F1 nhiều nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh với 164 học sinh và 103 giáo viên phải cách ly tập trung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ