Bộ Công an cảnh báo, 20 nghìn condotel vẫn triển khai

Bộ Công an cảnh báo, 20 nghìn condotel vẫn triển khai

Giữa tâm dịch Covid-19, condotel vẫn nóng

Trước sự rủi ro của phân khúc căn hộ du lịch, Bộ Xây dựng vừa yêu cầu các tỉnh, thành cần kiểm soát chặt chẽ dự án có hiện tượng chuyển đổi căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch sang thành nhà ở. Cần xem xét thận trọng, thực hiện đúng quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư, pháp luật về quy hoạch đô thị, pháp luật về xây dựng.

Việc phát triển căn hộ condotel phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, sử dụng đất được duyệt, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương. Nó cũng phải phù hợp với khả năng dung nạp dân số, đáp ứng về hạ tầng của khu vực. Phát triển căn hộ condotel phải tuân thủ quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng.

Tuy nhiên, theo báo cáo thông tin nhà ở và thị trường bất động sản vừa được Bộ Xây dựng công bố, trong quý II năm 2020, cả nước có 29.674 giao dịch bất động sản thành công. Trong số đó, tại Hà Nội có 1.354 giao dịch thành công (bằng 116% quý I/2020). TPHCM có 3.958 giao dịch thành công (bằng 140,6% quý I/2020). Lượng sản phẩm giao dịch thành công trong quý II bình quân trên cả nước bằng khoảng 130 - 140% so với quý I. Lý do là các doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng, bám sát các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sau thời gian giãn cách xã hội.

Tính đến thời điểm cuối tháng 7/2020, các loại hình bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đã hoạt động trở lại cùng với các chính sách khuyến mãi để kích cầu du lịch trong nước. Các doanh nghiệp kinh doanh đang trên đà phục hồi sau thời gian dài giãn cách xã hội với hiệu suất kinh doanh bình quân ngày một tăng, đạt khoảng 30 - 40%.

Cụ thể, trong quý II năm 2020, cả nước có 92 dự án với 6.300 condotel, 197 biệt thự du lịch và 46 căn văn phòng kết hợp lưu trú được cấp phép. 91 dự án với 19.878 condotel và 8.407 biệt thự du lịch đang triển khai xây dựng. 12 dự án với 70 condotel, 256 biệt thự du lịch và 1 căn văn phòng kết hợp lưu trú hoàn thành.

Một số địa phương trọng điểm về cấp mới dự án loại này như Khánh Hòa, Phú Yên.

Tìm hướng pháp lý cho condotel

Theo Bộ Công an, hiện quy định về quản lý, vận hành căn hộ condotel và toà nhà hỗn hợp (căn hộ nhà ở và căn hộ du lịch) thiếu chặt chẽ chưa có vai trò của chủ đầu tư dự án tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn toà nhà.

Điển hình như tại dự án tổ hợp khách sạn chung cư cao cấp Oceanus Mường Thanh Viễn Triều (Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) với 5 tòa 45 tầng với 1.000 căn hộ trong đó có khoảng 50% căn hộ dùng để ở, 50% căn hộ cho thuê. Hiện, nhiều căn hộ tự ý cho thuê dưới nhiều hình thức nhưng không có sự quản lý giảm sát của chủ đầu tư, ban quản trị cũng như chính quyền, dẫn tới phức tạp, ảnh hưởng an ninh trật tự.

Thực tế, thời gian qua, công an Khánh Hòa đã bắt 14 đối tượng Trung Quốc tại dự án này với mục đích du lịch nhưng lại sử dụng nhiều máy tính, thiết bị công nghệ nghi là hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Thị trường phát triển tốt, dự án tại hàng loạt các tỉnh, TP ven biển vẫn tiếp tục triển khai bất chấp pháp lý yếu. Điều này cho thấy, loại hình condotel có sức hút. Để hoàn thiện luật, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bất động sản, Nghị định 76/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, sẽ quy định rõ việc xây dựng, kinh doanh bất động sản du lịch, lưu trú (căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú) để đảm bảo quyền lợi cho các bên, tránh rủi ro cho người dân.

Liên quan tới vấn đề này, cuối tháng 6/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng có yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các loại hình bất động sản du lịch, lưu trú.

Tuy nhiên, Bộ Công an vừa ra cảnh báo việc đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản căn hộ du lịch cho người mua, dần hợp thức các căn hộ du lịch thành nhà ở tại vài địa phương như: Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu. Cảnh báo chỉ rõ condotel sẽ gián tiếp gây áp lực cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh xã hội.

Vì vậy, Bộ Công an kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung luật kinh doanh, mua bán, cho thuê căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú. Bộ VH-TT&DL hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành các dự án. 

Bộ TN&MT nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về phân loại đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất của các loại hình bất động sản mới để các địa phương có cơ sở thực hiện. Trước mắt không phát triển các dự án bất động sản căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, không hợp thức cho các loại hình căn hộ này thành nhà ở tránh tình trạng đổ vỡ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ