Bộ Chính trị đồng ý cho Hà Nội thí điểm chính quyền đô thị

Bộ Chính trị đã đồng ý cho Hà Nội được triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận.

Các đại biểu dự hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội hôm nay - Ảnh: TRỌNG TOÀN
Các đại biểu dự hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội hôm nay - Ảnh: TRỌNG TOÀN

Thông tin trên được bà Ngô Thị Thanh Hằng - phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội, cho biết tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 11, diễn ra ngày 19-11.

Theo đó, Bộ Chính trị đồng ý với 5 nhóm nội dung kiến nghị, đề xuất của Thành ủy Hà Nội. Cụ thể, Bộ Chính trị giao Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo việc sửa đổi một số luật có liên quan và bố trí kinh phí hỗ trợ để thành phố Hà Nội thực hiện các dự án trọng điểm, quan trọng trên địa bàn.

Ban cán sự đảng Chính phủ được giao lãnh đạo sửa đổi một số nghị định có liên quan, xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù. Ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc, phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng nghề.

Ban hành quy chế, cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành trong vùng Thủ đô và tăng cường phân cấp hoặc ủy quyền cho thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch và các dự án đầu tư, phê duyệt đề án vị trí việc làm.

Thời gian tới, Bộ Chính trị yêu cầu Thành ủy Hà Nội và các đơn vị liên quan tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế Thủ đô, thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược, gồm nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; phát triển đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng; đi đầu trong việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Hà Nội phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm từ 7,5% trở lên, giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu Hà Nội phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan chính quyền theo hướng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tăng cường công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng, đất đai, dân cư, an toàn giao thông, bảo đảm kỷ cương và văn minh đô thị. Tập trung phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết ngay từ đầu năm 2016, thành phố đã chỉ đạo sát sao, quản lý chặt chẽ nguồn thu. Nhờ giảm chi thường xuyên, năm 2016 Hà Nội tiết kiệm được 2.500 tỉ đồng và năm nay dự kiến tiết kiệm được 1.800 tỉ đồng.

Theo Tuổi trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ