(GD&TĐ) - Theo Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2013-2014, Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường không chấm điểm học sinh lớp 1 mà thay vào đó là đánh giá theo hướng động viên, khuyến khích và ghi nhận sự tiến bộ, giúp các em cảm thấy tự tin và hứng thú học tập.
Cụ thể hơn, thay vì cho điểm, giáo viên cần tăng cường đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, trong đó chú trọng nhận xét cụ thể về sự tiến bộ của học sinh hoặc những điểm học sinh cần cố gắng để có kế hoạch động viên, giúp đỡ học sinh kịp thời. Giáo viên tuyệt đối không có biểu hiện so sánh giữa các học sinh, chê trách học sinh trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Đây là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT chủ trương thực hiện bỏ chấm điểm đối với học sinh lớp 1 nên dư luận không khỏi có những băn khoăn. Một số ý kiến cho rằng, bỏ chấm điểm, thay vào đó bằng những “nhận xét chung chung” là không thể đánh giá chính xác học lực của học sinh, do đó không kích thích học sinh có ý chí vươn lên trong học tập. Hơn nữa, với những học sinh mới làm quen với việc đọc, viết như học sinh lớp 1 làm sao có thể hiểu được cặn kẽ những lời nhận xét đó để có hướng phấn đấu.
Những băn khoăn trên không hẳn không có lý. Tuy nhiên, với học sinh lớp 1, những em vừa bỡ ngỡ bước vào cánh cửa học đường, việc tạo mọi điều kiện để các em phát triển khả năng giao tiếp, có hứng thú với việc học tập là quan trọng hơn tất cả. Học sinh lớp 1 đang ở độ tuổi còn rất nhỏ. Đây là giai đoạn chuyển tiếp giữa hoạt động chủ đạo là vui chơi sang hoạt động chủ đạo là học tập. Chính vì vậy, không nên để các em ngay lập tức sa vào vòng chạy đua điểm số hơn kém một cách nghiệt ngã. Năm học lớp 1 là năm các em phải được đối xử hoàn toàn bình đẳng, vui vẻ - nền tảng cho sự khởi đầu tốt đẹp về mọi mặt. Việc bỏ chấm điểm học sinh lớp 1 là để giải phóng cho các em khỏi áp lực về điểm số trong những ngày đầu đến trường. Nhiều nước trên thế giới không chấm điểm đối với học sinh lớp 1.
Thực tế cho thấy, giáo dục học sinh không chỉ dựa vào sự cân đo bằng điểm số. Và nữa, sự thành công của mỗi con người cũng không chỉ dựa hoàn toàn vào lực học.
Cho điểm học sinh lớp 1, theo TSKH Nguyễn Khắc Hào không có lợi cho học sinh mà chỉ đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh.
Trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT, chủ trương không chấm điểm đối với học sinh lớp 1 thực sự là bước đột phá mang đầy tính nhân văn. Chủ trương này nhận được nhiều ý kiến đồng tình của đông đảo các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục, thầy cô giáo và phụ huynh học sinh
Tuy nhiên, không cho điểm thì phải nhận xét, đánh giá chính xác về khả năng của mỗi học sinh. Đây cũng là điều phải bàn, phải thống nhất bởi trong điều kiện sĩ số lớp học ở một số địa phương quá đông (50 - 60 em), nếu giáo viên chủ nhiệm chỉ nhận xét chung chung thì không những không khích lệ được tinh thần học tập của các em mà sa vào chủ nghĩa cào bằng. Và như vậy, một chủ trương đúng đắn của chúng ta sẽ không phát huy được hiệu quả trong thực tiễn.
Ngọc Duy