Đây là kết luận trong báo cáo do Văn phòng Tổng Thanh tra của DHS (OIG) thực hiện và công bố ngày 23/10.
Theo bản báo cáo được thực hiện hồi tháng Tám vừa qua, từ năm 2006, DHS đã chi hơn 16 triệu USD để mua các thiết bị và các loại dược phẩm kháng virus mà không xác định mức độ cần thiết cũng như không tiến hành các hoạt động giám sát chặt chẽ việc lưu trữ - bảo quản những mặt hàng này.
Các chuyên gia cho biết khoảng 250.000 đơn vị dược phẩm kháng virus đã được DHS nhập về vào thời điểm chưa có nhu cầu sử dụng thực tế, trong đó khoảng hơn 30.000 đơn vị đã bị thu hồi vì lý do an toàn hoặc do những quan ngại về hiệu quả sử dụng.
Trong khi đó, hàng trăm đơn vị dược phẩm khác mặc dù được thông báo đã bị tiêu hủy nhưng thực tế vẫn còn tồn tại.
Những kho dược phẩm này nhằm bảo vệ các nhân viên để duy trì hoạt động của các cơ quan quan trọng như Cơ quan Đặc vụ, Cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang, Cục Hải quan và biên phòng, Cơ quan Hải quan trong trường hợp có dịch bệnh nguy hiểm bùng phát trên lãnh thổ Mỹ.
Tổng Thanh tra DHS John Roth bày tỏ quan ngại bộ này sẽ không đủ khả năng duy trì hoạt động trong trường hợp bùng phát một đại dịch trong nước do thiếu thuốc cũng như các trang thiết bị y tế và bảo hộ cần thiết.
Theo quan chức này, giới chức DHS hiện không nắm rõ số lượng trang thiết bị bảo hộ đang có cũng như nơi lưu trữ các thiết bị này. Hiện hầu hết các mặt nạ phòng khí độc cũng đã hoặc gần hết hạn sử dụng.
Báo cáo được công bố một ngày trước phiên điều trần tại Hạ viện nhằm đánh giá về kế hoạch của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama trong nỗ lực đối phó với dịch bệnh Ebola đã và đang hoành hành tại các nước Tây Phi.
Số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính đã có khoảng 4.900 ca tử vong trong tổng số gần 10.000 người bị nhiễm./.