Bình ổn nền kinh tế: Đâu chỉ kiềm chế lạm phát

Bình ổn nền kinh tế: Đâu chỉ kiềm chế lạm phát

(GD&TĐ) - 6 tháng đầu năm 2013, nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam được đánh giá là ổn định, lạm phát thấp. Một số các khó khăn lớn trong nền kinh tế như nợ xấu và tồn kho sản phẩm đang từng bước được khắc phục. Tuy vậy, với diễn biến hiện tại của nền kinh tế, xem ra lạm phát lại không phải là mối lo lớn nhất.

Mặt trái của CPI

Đà giảm của CPI lại đáng lo ngại do sức mua yếu của thị trường
Đà giảm của CPI lại đáng lo ngại do sức mua yếu của thị trường
 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2013 tăng 2,4% so với tháng 12/2012 và tăng 6,69% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân sáu tháng đầu năm nay tăng 6,73% so với bình quân cùng kỳ năm 2012. Hầu hết giá cả các nhóm sản phẩm, hàng hóa sử dụng để tính CPI đều ít biến động. Yếu tố lớn nhất tác động làm tăng CPI những tháng đầu năm 2013 chính là việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế của nhà nước. Nếu không có biến động đột xuất, chỉ số CPI trong năm 2013 sẽ là dưới một con số với ước tính khoảng trên dưới 7,5%.

Với những chỉ số trên có thể coi đó là tín hiệu lạc quan để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát đề ra của Quốc hội. Khách quan mà nói, nguyên nhân gây tăng CPI trong 6 tháng đầu năm 2013 ngoài việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế còn là do tháng 1, tháng 2 là tháng Tết Nguyên đán nên nhu cầu mua sắm tăng cao; giá xăng dầu được điều chỉnh 3 đợt tăng giá, 3 đợt giảm giá; do thời tiết nắng nóng trên diện rộng vào tháng 5 và tháng 6 nên nhu cầu về sử dụng điện, nước tăng.

Nhìn rộng một chút, mức tăng CPI 6 tháng đầu năm 2013 là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong vòng 10 năm qua, lạm phát không còn là mối lo ngại lớn. TS Nguyễn Ngọc Tuyến - Viện trưởng Viện kinh tế tài chính, Bộ Tài chính – đã rất có lý khi cho rằng CPI 6 tháng đầu năm tăng thấp là niềm vui của người tiêu dùng. Các nhà hoạch định chính sách, điều hành kinh tế vĩ mô cũng yên tâm hơn với vấn đề kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, việc kiềm chế lạm phát thành công trong hơn một năm qua, bên cạnh tác động tích cực cũng làm phát sinh hiệu ứng phụ. Thắt chặt chính sách tiền tệ đã khiến sức mua của người tiêu dùng yếu đi, đầu tư của doanh nghiệp cũng bị thu hẹp. Do vậy, nếu thực hiện nhanh các giải pháp ngắn hạn, song hành với các giải pháp dài hạn thì kinh tế 2013 có thể không bị “tụt dốc” nữa.

Còn nguyên nỗi lo bình ổn thị trường

Mặc dù 6 tháng đầu năm 2013 đã đạt một số các mục tiêu quan trọng, song nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều rủi ro. Do đó, để có thể hạn chế rủi ro và có thể đạt được chỉ số CPI ở mức một con số trong năm 2013, cần phải có biện pháp hữu hiệu và lâu dài. Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, cần phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, áp dụng ngay, các biện pháp xử lý khai thông “điểm nghẽn” hiện nay của nền kinh tế là tăng tổng cầu của nền kinh tế; giải quyết tình trạng nợ xấu; đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, giảm tồn kho...

Còn theo TS Đinh Trọng Thắng - Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, để ổn định kinh tế, kiềm chế được lạm phát thì các chính sách của nhà nước cần phải nhất quán, lòng tin của doanh nghiệp phụ thuộc vào sự ổn định của chính sách. Do đó, nếu vẫn cứ duy trì sự ổn định chính sách như hiện nay, ổn định kinh tế vĩ mô mang tính dài hạn thì sẽ lấy được lòng tin của doanh nghiệp.

Không phải ngẫu nhiên mà PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) lại cho rằng lạm phát rất nhạy cảm, thường không bền vững, dễ bị phá vỡ và nếu bùng phát trở lại sẽ rất khó kiểm soát; do vậy cần tập trung kiềm chế lạm phát ngay cả khi vẫn ở mức thấp để tránh rủi ro cho những năm tới. Lo ngại này là có cơ sở khi nhìn từ nay tới cuối năm, CPI có khả năng sẽ tăng do các yếu tố: Chính phủ thực hiện một số giải pháp nới lỏng tài khoá và tiền tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế; khả năng thâm hụt thương mại tăng cao và sẽ tác động tới lạm phát tăng; chu kỳ tăng giá cuối năm...

Đó cũng là những áp lực lớn cho nền kinh tế trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn này.

Việt Dũng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.