Bình Định tạc phù điêu “khủng” vào vách núi

Phù điêu “khủng” tổng chiều dài 81,5m, cao 35m được khắc vào vách núi với chủ đề “Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc”, sẽ tạo điểm nhấn hoành tráng về quy mô lẫn hình thức nghệ thuật ngay cửa ngõ thành phố du lịch Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).

Phối cảnh tạc phù điêu Lạc Long Quân - Âu Cơ khổng lồ vào vách núi ở cửa ngõ thành phố du lịch Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).
Phối cảnh tạc phù điêu Lạc Long Quân - Âu Cơ khổng lồ vào vách núi ở cửa ngõ thành phố du lịch Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).

Ngày 4/8, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) tỉnh Bình Định cho biết, đơn vị này đang hoàn tất các hồ sơ, thủ tục để thi công công trình phù điêu vách núi với chủ đề “Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc”. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thiện vào cuối năm 2020.

Theo Sở VH-TT tỉnh Bình Định, việc tạc phù điêu vào vách núi đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Tỉnh ủy Bình Định có chủ trương và đồng thuận. Sau khi hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, sẽ tiến hành phóng mẫu trình các cấp có thẩm quyền và Hội đồng nghệ thuật xét duyệt trước khi khắc tạc tác phẩm.

Vị trí tạc phù điêu là núi Bà Hỏa (TP Quy Nhơn) nằm dọc giữa ngã 5 đường Trần Hưng Đạo giao với đường Võ Nguyên Giáp, Đống Đa, Nguyễn Tất Thành dẫn vào trung tâm TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).

Bình Định tạc phù điêu “khủng” vào vách núi - 2
Vị trí vách núi dự kiến sẽ tạc phù điêu Lạc Long Quân - Âu Cơ.

Theo phương án, đơn vị thi công sẽ cắt vào sâu trong núi từ 20-25m tạo mặt phẳng đứng để tạc phù điêu trực tiếp vào vách núi, phần mặt phẳng nằm làm quảng trường nhỏ, sinh hoạt cộng đồng. Tổng chiều dài của phù điêu là 81,5m, vị trí cao nhất là 35m, hệ thống sân vườn, cảnh quan kiến trúc phụ trợ rộng 3.000m2.

Tác phẩm phù điêu sẽ được khắc họa theo 3 lớp. Theo đó, lớp thứ nhất nằm chính giữa, chiếm ½ chiều cao của bức phù điêu là hình tượng cha Rồng - mẹ Tiên, cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ khoác áo choàng, đầu đội mũ lông chim. Sau lưng, dưới chân là những lớp mây gợi lại huyền sử lung linh về dòng dõi Rồng Tiên của cư dân Lạc Việt.

Lớp thứ 2, thể hiện 18 nhân vật nam, tượng trưng cho 18 đời Hùng Vương với dáng đứng uy nghi, hai tay chắp ngang ngực, cung kính lắng nghe lời căn dặn của cha mẹ.

Lớp thứ 3, thể hiện các nhân vật, đại diện cho 54 dân tộc Việt Nam. Mỗi dân tộc khắc họa 1 người nam và một người nữ cùng với trang phục truyền thống đặc trưng của mỗi dân tộc, nắm chặt tay nhau thể hiện sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Phía trước bức phù điêu là quảng trường được lát đá trồng hoa cây xanh, tạo nơi sinh hoạt cộng đồng và không gian để người dân có thể chiêm ngưỡng bức phù điêu độc đáo này.

Về kinh phí để xây dựng phù điêu này, đại diện Sở VH-TT tỉnh Bình Định cho biết, khi dự án được phê duyệt, sau đó tỉnh sẽ có bố trí kinh phí cụ thể theo từng giai đoạn. Ngoài ra, công trình cũng sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa...

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết thêm: “Hiện địa phương đang giao khảo sát lập hồ sơ dự án, chứ chưa có con số cụ thể về kinh phí”.

Bình Định tạc phù điêu “khủng” vào vách núi - 3
Tỉnh Bình Định đang giải tỏa mặt bằng để chuẩn bị các bước thi công dự án.

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Định, đây là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc được thể hiện bằng chất liệu đá tự nhiên vốn có với quy mô và hình thức nghệ thuật hoành tráng, góp phần tác động đến nhận thức, giáo dục truyền thống lịch sử, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

Ngoài ra, việc hình thành tác phẩm làm tăng giá trị không gian văn hóa lịch sử, kiến trúc cảnh quan đô thị và hình ảnh quảng bá, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Theo dantri

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ