Biểu thuế suất phải giúp khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên

Biểu thuế suất phải giúp khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên

Theo dự thảo Biểu thuế suất thuế tài nguyên của Chính phủ, mức thuế suất của các loại tài nguyên khoáng sản kim loại; khoáng sản phi kim loại; sản phẩm của rừng tự nhiên; hải sản tự nhiên; nước thiên nhiên... được điều chỉnh với mức tăng trung bình từ 3 – 5 % so với thuế suất hiện hành. Đối với dầu thô, khí thiên nhiên và khí than thì mức thuế suất nhìn chung được giữ nguyên. Mức thuế suất không phân biệt giữa các thành phần kinh tế, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm tạo môi trường pháp lý bình đẳng, công bằng cho các doanh nghiệp.

Biển Đông của Việt Nam có trữ lượng tài nguyên dầu mỏ lớn, biểu thuế suất mới sẽ giúp quản lý tốt hơn.
Biển Đông của Việt Nam có trữ lượng tài nguyên dầu mỏ lớn, biểu thuế suất mới sẽ giúp quản lý tốt hơn.

Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về việc ban hành Biểu thuế suất thuế tài nguyên do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Cao Ngọc Xuyên thừa ủy quyền Chủ nhiệm Ủy ban trình bày tán thành với việc ban hành Nghị quyết để bảo đảm Luật Thuế tài nguyên được thực thi đúng thời điểm Luật có hiệu lực thi hành.

Tuy nhiên, Biểu thuế suất phải giúp khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế, bảo đảm vật tư, nguyên liệu cho sản xuất trong nước; quản lý, bảo vệ tốt nguồn tài nguyên của đất nước, nhất là tài nguyên không tái tạo; góp phần khuyến khích phát triển công nghiệp, chế biến sâu tài nguyên, hạn chế xuất khẩu thô. Vừa bảo đảm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước vừa không gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; không làm tăng lớn chi phí đầu vào của các ngành sản xuất sử dụng tài nguyên, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người khai thác, sử dụng tài nguyên.

Ủy ban Tài chính và Ngân sách đề nghị, Chính phủ cần làm rõ căn cứ tính thuế đối với các loại tài nguyên cụ thể. Vì mỗi loại tài nguyên có tính chất, giá trị, mức độ cung cầu và tiềm năng khai thác... khác nhau. Việc điều chỉnh thuế suất tăng bình quân 3 - 5 % đối với hầu hết các tài nguyên như đề xuất của Chính phủ là chưa hợp lý.

Tán thành với quan điểm này, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận đề nghị, trước khi xác định mức thuế suất với từng loại tài nguyên cần rà soát, khảo sát kỹ càng để xác định nhóm tài nguyên nào thuộc dạng khuyến khích hay không khuyến khích khai thác, xuất khẩu; đánh giá trữ lượng và nhu cầu sử dụng tài nguyên. Nếu giữ cách làm đơn giản là chỉ tăng thêm 3 - 5% so với thuế suất hiện hành, không tính toán kỹ lưỡng sẽ tạo ra nhiều hệ lụy cho quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng, thuế là công cụ có tính hai mặt, có thể  thúc đẩy sản xuất nhưng cũng có thể kìm hãm sản xuất. Trong điều kiện cụ thể của nước ta, cần có mức thuế hợp lý để khuyến khích sản xuất. Hơn nữa, việc thay đổi mức thuế của các loại tài nguyên sẽ khiến giá thành sản phẩm, hàng hóa tăng, gây tác động đến việc kiềm chế lạm phát.

Với các loại tài nguyên không tái tạo thì cần có chiến lược sử dụng, không nên chỉ dựa vào công cụ thuế để quản lý. Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên yêu cầu: cân nhắc việc điều chỉnh thuế để giữ ổn định sản xuất, đời sống của người dân. Thực tế, vấn đề đầu tư, kinh doanh tài nguyên khoáng sản đã phát sinh nhiều tiêu cực. Biện pháp thuế chỉ là một biện pháp giúp điều tiết, quản lý việc khai thác tài nguyên, nên cần nghiên cứu điều chỉnh các loại thuế khác để có phương án tối ưu nhất, bảo đảm vừa đáp ứng yêu cầu quản lý vừa giữ ổn định sản xuất, kinh doanh.

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ