Biểu dương các “Cô đỡ thôn bản” tiêu biểu

GD&TĐ - Chiều 28/2 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị biểu dương 66 cô đỡ thôn bản tiêu biểu đại diện cho gần 3.000 cô đỡ từ các vùng miền khác nhau của cả nước. Hội nghị do Bộ Y tế tổ chức  với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và các đơn vị thuộc ngành y tế.

Lãnh đạo Bộ Y tế khen thưởng các "Cô đỡ thôn bản"
Lãnh đạo Bộ Y tế khen thưởng các "Cô đỡ thôn bản"

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: Trong những năm qua, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức như: sự khác biệt đáng kể về tình trạng sức khỏe, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền, các nhóm dân tộc.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Y tế đã có chủ trương đào tạo các cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số cho các vùng khó khăn.  Liên minh Châu Âu là nhà tài trợ ODA lớn nhất, trong khuôn khổ các chương trình hỗ trợ chính sách ngành y tế, EU tập trung hỗ trợ vào các tỉnh nghèo nhất và những huyện lỵ  gặp nhiều khó khăn - đây cũng là những khu vực có các đồng bào dân tộc thiểu số định cư, giúp đào tạo các cán bộ y tế (Cô đỡ thôn bản).

Trong giai đoạn 2015-2017, cùng với sự hỗ trợ của EU, tỷ lệ các ca sinh do các cô đỡ thôn bản đỡ đẻ tăng lên nhiều, cùng với đó là tử vong trẻ sơ sinh giảm ở tất cả 10 tỉnh.

Cô đỡ thôn bản là người dân tộc thiểu số, được lựa chọn từ chính cộng đồng dân tộc tại địa phương, có cùng văn hóa, phong tục tập quán, dễ dàng tiếp cận và sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình để tuyên truyền vận động và cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn ngay tại thôn bản.

Đến nay, sau 25 năm thực hiện chương trình cô đỡ thôn, bản tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm 4 lần, khoảng 58/100.000 trẻ đẻ sống. Hiện có hơn 2.600 cô đỡ thôn, bản hoạt động trong tổng số 8.165 thôn bản khó khăn.

 Với sự đóng góp không nhỏ của mình trong công tác chăm sóc sức khỏe và giảm tỷ lệ tử vong của bà mẹ, trẻ sơ sinh ở các vùng sâu, vùng xa, các cô đỡ thôn bản  được ví như cánh tay nối dài giữa cơ sở Y tế và người dân. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ