Biệt thự triệu đô không toilet

Biệt thự triệu đô không toilet
Khu nhà vệ sinh chung của cư dân “biệt thự” số 8 Tăng Bạt Hổ
Khu nhà vệ sinh chung của cư dân “biệt thự” số 8 Tăng Bạt Hổ
 

Chắc có lẽ trên thế giới, chỉ ở Hà Nội (Việt Nam) mới có loại biệt thự kỳ lạ như vậy. Hơn chục hộ dân, với nhiều thế hệ sống đằng đẵng mấy chục năm trong một tòa “biệt thự” 2 tầng rộng chưa đầy 150m2. Loại “biệt thự” này không có khu phụ, không bếp, không có cả toilet...

Chen chúc ở “biệt thự”

Nói tới biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội, người ta nghĩ ngay tới cái gì đó hào nhoáng, xa hoa, lãng mạn. Thực tế, hàng trăm công trình đang “khoác áo” biệt thự Pháp cổ chỉ còn lớp vỏ cũ nát bên ngoài.

Nằm trong danh mục công trình được bảo vệ, căn “biệt thự” Pháp cổ hai tầng ở số 8 Tăng Bạt Hổ (quận Hai Bà Trưng) giờ là nơi cư ngụ của 13 hộ dân. 6 hộ ở tầng hai, 6 ở tầng một và 1 hộ trú tại... gầm cầu thang. Các căn phòng rộng thênh thang nguyên gốc đã bị “băm nhỏ” thành nhiều “căn hộ” từ mấy chục năm trước.

Mỗi “căn hộ” nhỏ đều mở cửa ra hành lang chung, vốn rất rộng rãi nhưng giờ lỉnh kỉnh xô, chậu, đồ đạc cũ hỏng, kệ để đồ, thùng chứa nước... Cửa vào các “căn hộ” hầu hết đã mục nát. Có “căn hộ” đang che tạm bợ lối vào bằng... ván cót ép. Bác Đặng Văn Duyên, một cư dân lâu năm ở số 8 Tăng Bạt Hổ nhớ lại: “Nhiều năm trước, khi tôi mới về, chuột chạy cả đàn. Sau khi lối đi chung được đổ bê tông, các lỗ tường bị bịt lại thì mới đỡ dần”.

Trải qua mưa gió gần 100 năm tồn tại, khuôn viên và phía ngoài tòa nhà đã hoàn toàn biến dạng. Nhà dân cao, thấp lô nhô, vây kín đặc bốn xung quanh tòa nhà. Tường nhà bị bong tróc, lở từng mảng. Khắp các góc tường là hệ thống ống nước sạch, thoát nước thải, dây điện và rêu mốc... Các cửa sổ đều bị rào kín chống trộm hoặc được tận dụng triệt để cho việc phơi quần áo. Không gian chung bên trong tòa nhà vốn đã quá ngột ngạt còn bị “nhét” thêm nhiều thùng phuy nước cỡ lớn treo lơ lửng trên xà ngang.

Chật chội nhất trong “biệt thự” có lẽ là hộ anh Hoàng Anh, 2 vợ chồng, 1 đứa con đã lớn nhưng hàng đêm vẫn phải tá túc trong vài mét vuông nơi gầm cầu thang. Chật quá, “căn hộ” không chứa được gì khác ngoài cái giường và cái tủ lạnh. Thành thử, các đồ đạc khác được “ưu tiên” để ngoài trời. Xe máy thì gửi ở ngoài.

“Tòa nhà cũ quá nên cầu thang gỗ ọp ẹp. Người đi lên đi xuống là bụi rơi đầy đầu nên lúc nào trong “căn hộ” phải chăng nilon để chắn bụi, đứng lên là chạm đầu người” – bác Đặng Văn Duyên kể. Chỉ rộng hơn chút xíu, 12 hộ còn lại chia nhau tận dụng từng centimet vuông nhà. Hộ rộng nhất chỉ chừng 20m2, còn trung bình khoảng hơn chục.

Nhiều bề bế tắc

Nhà Pháp xây khá tốt, tường dày bình bịch nên sau cả trăm năm, cư dân đánh giá lạc quan là còn chắc chán!? Thế nhưng, trần thấm dột là không tránh khỏi. Trời mưa, đi ngoài hành lang, bị nước rơi vào đầu là bình thường. Song, nỗi khổ lớn nhất với các hộ dân “biệt thự” là không có nhà tắm và toilet. Ở còn chen nhau như thế, chỗ đâu mà bố trí tắm táp với lại giải quyết “đầu ra”. Thôi thì tắm giặt, rửa rau, vo gạo... còn dễ khắc phục với phương án bố trí vòi nước ngay tầng 1 phía ngoài tòa nhà hoặc quây tạm chừng nửa mét vuông ngoài hành lang tầng 2, chứ còn “đầu ra” phải nói là... bế tắc!

Chỉ duy nhất 1 hộ có cụ già 90 tuổi được các hộ dân và  tổ dân phố đồng ý bố trí khu phụ chừng 2m2 ở hành lang, có đường ống dẫn chất thải nối thẳng xuống bể phốt nhỏ đặt ngầm bên dưới lối đi chung dưới tầng 1. Bác Đặng Văn Duyên giải thích: “Đây là trường hợp rất đặc biệt, làm trước khi bê tông hóa lối đi chung, chứ còn lại thì chịu, không ai được phép.”

Vậy là, bất kể trời mưa, trời nắng, dông bão hay đêm đông lạnh buốt, các hộ đều phải chịu khó cuốc bộ xuống tầng 1, đi tới nhà vệ sinh công cộng nằm ở cuối lối đi chung, cách tòa “biệt thự” hàng chục mét. Mò vào mục sở thị khu “giải quyết nỗi buồn” của các hộ dân, tôi nghĩ, giờ có đi mòn chân ở Hà Nội cũng khó tìm ra cái nhà vệ sinh chung nào như thế.

Đúng kiểu hố xí tự hoại 2 ngăn, 3 buồng, thịnh hành từ 30-40 năm trước ở Hà Nội, giờ ố vàng, cáu bẩn, hôi mù mịt, tường mốc thếch, rêu cỏ bám đầy như được xây từ cả trăm năm trước. Cư dân ở đây chua chát mà tếu táo với nhau: “Nếu có “nhu cầu”, phải “xử lý” non, chứ để già quá là thậm nguy, khéo chạy không kịp tới đích...”.

Bác Đặng Văn Duyên nói thật: “Sống đâu chịu đấy chứ người nơi khác tới nhìn vậy có mà chạy mất dép, ai dám dùng... Đấy là gần đây, lối đi đã bê tông hóa sạch sẽ, các hộ dân góp tiền mắc điện sáng chứ trước đây khổ lắm. Tổ dân phố còn phải thuê người mấy ngày dọn một lần, chứ để vậy thì không ai chịu nổi... ”.

Khốn khổ là vậy song việc cải tạo, nâng cấp “căn hộ” là điều cấm kỵ đối với toàn bộ 13 hộ dân ở “biệt thự”. Lại nữa, trong khi các hộ dân xung quanh đều được mua nhà theo Nghị định 61/CP, được cấp “sổ đỏ”, thì các hộ ở “biệt thự” bị trả lại hồ sơ, không được xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Lý do đơn giản vì các hộ đang ở biệt thự Pháp cổ, tòa nhà nằm trong danh mục được pháp luật bảo vệ!

Thành ra, ở thì được nhưng cấm sửa chữa, cơi nới, cấm thay đổi kết cấu, hay nói chung là cấm tiệt mọi hoạt động xây dựng, phá dỡ. Người dân biết thế yếu của mình nên thôi cũng đành chấp nhận, chỉ còn biết than “không biết bao giờ, chúng tôi mới thoát khỏi kiếp được ở biệt thự trên giấy!?”.

Theo An ninh Thủ đô

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.