Song không phải đứa trẻ nào cũng ngoan ngoãn tiến bộ được như ý muốn của cha mẹ bởi ngoài sự giáo dục của gia đình, trẻ trong tuổi đi học còn chịu nhiều tác động và cám dỗ từ môi trường bên ngoài. Nếu cha mẹ không tỉnh táo trong việc dạy dỗ và phạt con, có thể sẽ gây ra nhiều hậu quả xấu, nghiêm trọng.
Dạy con kiểu bạo hành…
Gần đây, nhiều người dùng mạng xôn xao truyền nhau video ghi lại hình ảnh người mẹ đánh mắng con gái dã man. Nguyên nhân được cho là do bé gái bỏ buổi học thêm đi ăn chè cùng bạn, bị mẹ phát hiện và trừng phạt. Trong video, người phụ nữ cầm dép nhựa liên tục phang vào mặt vào mồm con. Dù cô con gái khóc lóc van xin, người mẹ vẫn tiếp tục đè xuống và đánh, rồi sau đó quăng vứt cặp sách của em đi. Trên mái tôn của nhà bên cạnh, sách vở của bé gái bị vứt lung tung. Người cha cũng chứng kiến việc đó và đang dùng cây sào dài kều lại sách vở cho con nhưng cũng không có phản ứng can ngăn gì trước hành động của vợ.
Lâu nay, rất nhiều vụ việc cha mẹ bạo hành con cái đã xảy ra xung quanh việc con cái không vâng lời, xao nhãng học hành, đặc biệt là căn bệnh nghiện game của các cậu con trai. Thời gian trước, em V.Đ, 13 tuổi ở thôn Xuân Úc, xã Thuận Thiên (Kiến Thụy - Hải Phòng) đã từng bị bố lột trần truồng trói vào cột điện trước nhà đứng giữa cái rét 15 độ C dưới trời mưa phùn. Em V.Đ trốn học đi chơi game, bố đến trường đón sau buổi học thêm không thấy đã đi tìm Đ lôi về. Đã nhiều lần “nói chuyện” bằng roi vọt mà con không chuyển biến, bố em Đ đã quyết định dùng biện pháp mạnh để con trai xấu hổ với bạn bè và mọi người xung quanh mà tiến bộ hơn. Mặc con trai khóc xin tha thứ, ông bố vẫn làm ngơ. Chỉ đến khi Đội thanh tra giao thông thuộc Sở GTVT TP Hải Phòng phát hiện và can thiệp, ông bố mới cởi trói cho con.
Một cậu bé 12 tuổi ở Kiến An, Hải Phòng cũng bị mẹ phạt trần truồng bắt đi lại trên đoạn đường đông người qua lại. Trên mông cậu bé vẫn in hằn nhiều vết roi. Cậu bé vừa đi vừa mếu máo xin lỗi còn người mẹ tay cầm cây roi và liên tục mắng con. Nguyên nhân của hình phạt khủng khiếp trên là do cậu bé đã ăn trộm 500.000 đồng của cụ ngoại để mua đồ chơi điện tử và đó không phải là lần đầu tiên của cậu bé. Dù có người khuyên ngăn nhưng người mẹ vẫn không muốn ai can thiệp vào việc dạy con của mình.
Chỉ phản tác dụng
Những vụ việc trên đã gây rất nhiều tranh cãi trong dư luận xã hội, anh Trung Hà (Công ty CP thiết kế và trang trí nội thất Sống Xanh) bày tỏ quan điểm: “Mình nghĩ bố mẹ nên ngừng ngay cái việc “thương cho roi cho vọt” kiểu này. Đây là xỉ nhục con cái trước bàn dân thiên hạ, chứ không phải là dạy dỗ, uốn nắn. Khi cơn nóng giận kia qua đi, họ sẽ phải ân hận về hành vi thiếu văn minh của mình. Bêu rếu, hành hạ trẻ nhỏ không chỉ thiếu văn hóa mà còn phản tác dụng một cách ghê gớm…”.
Khi con mắc lỗi, mỗi bậc phụ huynh đều có cách xử trí riêng của mình. Ý định làm con xấu hổ để chừa thói xấu mà nhiều phụ huynh thực hiện trong lúc thiếu kiềm chế như đánh mắng chửi rủa, xích nhốt, lột truồng đuổi ra khỏi nhà… để làm con xấu hổ trước tất cả những con mắt của thiên hạ có thể gây hậu quả khôn lường.
Theo các chuyên gia giáo dục, cách mà bố mẹ đối xử tàn bạo, thiếu sự khoan dung, tha thứ sẽ khiến đứa trẻ dễ dàng “lặp lại” những giải pháp tương tự khi gặp tình huống khó xử cần giải quyết trong cuộc sống. Hãy cố gắng chỉ ra hành động sai trái của con và giúp con có cơ hội sửa chữa. Trẻ sẽ hiểu được việc gì nên và không nên làm, cách khắc phục lỗi lầm và học được những giá trị sống cùng tình cảm bao dung mà cha mẹ dành cho chúng.
Trước tình trạng bạo hành trẻ em dưới nhiều hình thức khác nhau đang trở nên đáng báo động, Thạc sỹ Đặng Phương, Giám đốc điều hành Viện Tâm lý và Giáo dục Pháp luật chia sẻ:
Trẻ em là đối tượng yếu thế, cần được chăm sóc, bảo vệ và hưởng các quyền lợi tốt nhất để phát triển. Dạy dỗ con cái là can thiệp, định hướng cho con để con phát triển mọi mặt về thể chất, tâm sinh lý và cả giao tiếp xã hội, giúp con có ý thức tự lập, tự chủ và biết chia sẻ yêu thương gia đình và hòa đồng trong các mối quan hệ cộng đồng.
Bạo hành giữa cha mẹ và con cái thường được biện hộ là giáo dục theo kiểu “thương cho roi cho vọt”. Nhưng sử dụng những biện pháp mất nhân tính với mục đích trừng phạt con, thỏa mãn cơn tức giận đặc biệt trong vai trò là cha mẹ là sai trái, gây thương tích nặng nề cho trẻ, làm cho trẻ tổn thương, phát triển lệch lạc. Đó không phải là dạy con mà bạo hành trẻ em nghiêm trọng, gây ra những sang chấn tâm lý. Không chỉ bạo hành thể chất, bạo hành bằng tinh thần cũng có thể cấu thành tội phạm hình sự…