Phiên họp diễn ra sáng 19/4 tại La Hay, Hà Lan.
Tham dự phiên họp về phía Việt Nam có Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà; lãnh đạo các Bộ: Ngoại giao, NN&PTNT, Xây dựng, GTVT, KH&ĐT, Văn phòng Chính phủ và một số địa phương. Về phía Hà Lan, có đại diện các bộ, ngành, các viện nghiên cứu, trường đại học đang hỗ trợ Việt Nam thực hiện các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nước.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng bày tỏ vui mừng trước những phát triển tích cực của quan hệ hợp tác Việt Nam-Hà Lan trong 44 năm qua. Từ quan hệ đối tác thông thường, quan hệ Việt Nam-Hà Lan đã phát triển thành quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và quản lý nước.
“Hai bên đã biến thách thức trong ứng phó với biến đổi khí hậu thành cơ hội hợp tác song phương trong các lĩnh vực nông nghiệp, quản lý nước, giáo dục và đào tạo”, Phó Thủ tướng nói.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng cảm ơn những đóng góp tích cực, hiệu quả của Hà Lan trong việc giúp Việt Nam phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có kế hoạch phát triển kinh tế bền vững và hợp lý để kiểm soát tài nguyên cũng như giảm tính dễ tổn thương của ĐBSCL.
“Việt Nam mong muốn Hà Lan tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, nguồn nhân lực, nguồn vốn và các công nghệ hỗ trợ Việt Nam giải quyết các vấn đề cấp bách hiện nay, gồm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên-môi trường, chống khô hạn, xâm nhập mặn, quản lý cấp-thoát nước, khai thác và sử dụng nước ngầm, đặc biệt là xử lý vấn đề sụt lún và xói mòn bờ sông, bờ biển”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Phiên họp thứ 6 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Hà Lan tại La Hay. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Môi trường Hà Lan Melanie Schultz khẳng định Hà Lan luôn coi trọng hợp tác với Việt Nam, đồng thời hoan nghênh kết quả tích cực của các chương trình, dự án hợp tác giữa hai nước, góp phần giảm nhẹ những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với ĐBSCL.
Bà Melanie Schultz cũng nhấn mạnh tầm quan trọng Kế hoạch ĐBSCL và vai trò quan trọng của nông nghiệp đối với quá trình phát triển khu vực này; khẳng định Hà Lan sẵn sàng trợ giúp và chuyển giao kỹ thuật cho Việt Nam để phát triển ĐBSCL một cách bền vững, hiệu quả.
“Hà Lan quyết tâm và sẽ nỗ lực hết sức mình để cùng Việt Nam hiện thực hoá Kế hoạch ĐBSCL cũng như giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu”, bà Melanie Schultz khẳng định.
Về hợp tác giữa các doanh nghiệp, Bộ trưởng Melanie Schultz cho biết nhiều công ty của Hà Lan có kinh nghiệm lâu đời trong chống xói mòn, nạo vét luồng và một số viện nghiên cứu nổi tiếng của Hà Lan đang mong muốn có cơ hội hợp tác, hỗ trợ Việt Nam.
Đưa hợp tác Việt Nam-Hà Lan về ứng phó BĐKH thành hình mẫu
Các ý kiến thảo luận của lãnh đạo các bộ, ngành hai nước tại phiên họp đã tích cực rà soát kết quả triển khai các thoả thuận tại phiên họp lần thứ 5 Ủy ban liên Chính phủ (diễn ra tại Việt Nam tháng 3/2016) và trao đổi cụ thể về phương hướng triển khai Kế hoạch ĐBSCL, chương trình NICHE, chương trình ORIO, dự án Thăng-Trầm, hợp tác kinh doanh và thương mại, quan hệ giữa nước và nông nghiệp, hợp tác giữa các thành phố, hợp tác sông Hồng…
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Môi trường Hà Lan Melanie Schultz tại cuộc gặp ngắn trước phiên họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Hà Lan lần thứ 6. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Về Kế hoạch ĐBSCL, hai bên đánh giá hợp tác đã thành công tốt đẹp, nhất là hai dự án được Ngân hàng Thế giới tài trợ đã phát huy hiệu quả, giúp phát triển kinh tế-xã hội khu vực ĐBSCL một cách bền vững.
Nhiều ý kiến của các thành viên Ủy ban liên Chính phủ hai nước nhấn mạnh hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý nước, đặc biệt là Kế hoạch ĐBSCL sẽ là hình mẫu cho các nước trong khu vực học tập.
Các ý kiến thảo luận cũng khẳng định sự gắn kết không thể tách rời giữa nông nghiệp và nước cũng như giữa nông nghiệp và tương lai của ĐBSCL; thống nhất các biện pháp triển khai tiếp theo để phát triển bền vững ĐBSCL gắn liền với phát triển nông thôn và tạo cơ hội cho người dân tiếp cận kiến thức, kinh nghiệm và công nghệ; nhất trí sẽ tạo điều kiện tốt nhất để chuẩn bị kế hoạch tài chính cho các dự án.
Về giáo dục, hai bên đánh giá chương trình NICHE và chương trình ORIO của Hà Lan đã góp phần quan trọng trong việc triển khai thoả thuận đối tác chiến lược giúp Việt Nam nâng cao kiến thức và năng lực trong quản lý nước, biến đổi khí hậu, nông nghiệp, vận tải biển…
Về thương mại, hai bên thảo luận việc triển khai các dự án trong khuôn khổ hợp tác kinh doanh và thương mại, trong đó có dự án Thăng-Trầm.
Về hợp tác địa phương, hai bên đánh giá cao hợp tác giữa TPHCM và TP. Rotterdam trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu và hiện thực hoá chương trình “TPHCM phát triển hướng về phía biển, thích ứng với biến đổi khí hậu”; chương trình hợp tác giữa Hà nội và Amsterdam liên quan đến sông Tô Lịch; việc triển khai dự án quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng-sông Thái Bình giai đoạn 2020-2039 và tầm nhìn 2050, đánh giá chương trình dữ liệu địa lý về nước và nông nghiệp tại Việt Nam (Việt Nam có 2 trong số các dự án lớn nhất của dự án vệ tinh cho lúa ở ĐBSCL và dự án cà phê xanh) còn nhiều tiềm năng hợp tác và triển khai.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Môi trường Melanie Schultz ký Biên bản phiên họp lần thứ 6 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Hai bên nhất trí triển khai thoả thuận năm 2017, trong đó có trao đổi, xúc tiến các nội dung hợp tác mới trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của Việt Nam và thế mạnh truyền thống của Hà Lan; cam kết của các bộ, ngành, địa phương liên quan về chủ động triển khai các chương trình, dự án đã được thống nhất để đưa hợp tác Việt Nam-Hà Lan trong lĩnh vực này trở thành tiêu biểu cho hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới về ứng phó biến đổi khí hậu, tương xứng với tiềm năng và mong muốn của cả hai bên.
Kết thúc phiên họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Môi trường Melanie Schultz đã ký Biên bản phiên họp lần thứ 6 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, nhất trí phiên họp lần thứ 7 sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào năm 2018.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng gặp Đặc phái viên về các vấn đề nước quốc tế của Chính phủ Hà Lan Henk Ovink. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
* Trước khi đồng chủ trì phiên họp lần thứ 6 này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Môi trường Hà Lan Melanie Schultz đã có cuộc gặp ngắn. Sau phiên họp, Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Melanie Schultz đã tiếp tục có cuộc ăn trưa làm việc để trao đổi sâu hơn những vấn đề hai bên cùng quan tâm, đặc biệt là tìm những giải pháp cụ thể nhằm thực hiện các thoả thuận đã đạt được.
Trưa cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có cuộc gặp Đặc phái viên về các vấn đề nước quốc tế của Chính phủ Hà Lan Henk Ovink.