Biến rác sinh hoạt thành phân hữu cơ

GD&TĐ - Việc đưa rác thải sinh hoạt vào sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đang được xem là mô hình hay, sáng tạo giúp giảm chí phí vận chuyển, giải quyết được gánh nặng ô nhiễm môi trường.

Người dân gom rác thải vào các thùng phân loại rác
Người dân gom rác thải vào các thùng phân loại rác

Từ nhức nhối về ô nhiễm rác thải

Ở nhiều địa phương, người đi đường có thể bắt gặp những đống rác thải sinh hoạt nằm ngay ven đường, ngã ba, ngã tư hay thậm chí ở cả nơi bảng “cấm đổ rác”. Nhức nhối, vấn nạn, gánh nặng, khó khăn là những từ khi người ta nói về rác thải sinh hoạt ở vùng nông thôn trong việc tìm phương án thu gom, xử lý. Thời gian gần đây, rất nhiều hộ dân sống tại huyện Nghi Xuân - huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt… Họ đã đưa rác vào phân hữu cơ.

Bà Nguyễn Thị Phúc, 54 tuổi, ở xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân cho biết: “Mỗi gia đình tại đây, ai cũng tự trang bị cho mình 3 thùng đựng rác. Phân loại rất rõ ràng, thuận tiện: Rác không phân hủy, rác phân hủy được, rác thải rắn. Rác hữu cơ thì ủ để làm vườn, rác tái chế có người đến mua, rác còn lại có vệ sinh môi trường thu gom. Vườn nhà, đường làng, ngõ xóm lúc nào cũng sạch sẽ, tinh tươm”.

“Phần lớn rác sinh hoạt trước đây đổ đi, thì giờ người dân lại biến nó thành phân hữu cơ phục vụ sản xuất. Đưa lại rất nhiều lợi ích cho bà con nông dân. Người dân dùng rác phân hủy ủ thành phân vi sinh, trộn lẫn cùng phân chuồng để bón đồng ruộng. Nghiễm nhiên, hơn 100 mô hình vườn mẫu, kiểu mẫu của bà con, tất cả đều dùng rác hữu cơ làm phân bón cho cây trồng” - bà Phúc nói thêm.

Huyện Nghi Xuân đã cung cấp cho các xã gần 200 xe thu gom rác và 120 thùng rác trang trí đặt tại trường mầm non và nơi công cộng, hỗ trợ 180 thùng để người dân ủ phân hữu cơ tại hộ gia đình. Huyện cũng đã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ cung cấp chế phẩm sinh học cho các nông hộ ứng dụng xử lý chất thải hữu cơ làm phân bón. Đến nay, các xã của huyện Nghi Xuân đã đạt tiêu chí về môi trường và là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh.

Ông Nguyễn Khắc Phúc, Chủ tịch UBND xã Xuân Viên cũng cho hay: “Rác được đưa vào sử dụng trong nguồn phân bón, đã giảm rõ nguồn chi phí cho vận chuyển rác đi xử lý, phần khác làm phân bón cho nông nghiệp đã tạo nhiều thuận lợi cho bà con nông dân. Cách làm này đã giải quyết được vấn nạn nhức nhối về rác thải sinh hoạt bủa vây trên địa bàn, mặt khác giảm được chi phí vận chuyển rác thải sinh hoạt, quan trọng hơn nó giảm thiểu được rác thải hữu cơ trong giải quyết ô nhiễm môi trường”.

Việc phân loại rác thải sinh hoạt đã được bà con nông dân thực hiện tại 19 xã của huyện Nghi Xuân. Trong khi nhiều địa phương ở tỉnh này đang khó khăn trong việc xử lý rác thải sinh hoạt thì môi trường ở Nghi Xuân lúc nào cũng sạch sẽ, trong lành. Với ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, bà con huyện Nghi Xuân đang từng bước biến vùng nông thôn thành những làng quê yên bình, đáng sống.

Đến nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh

Theo ước tính, mỗi ngày, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh khoảng 650 tấn. Toàn tỉnh có 211 đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải, tỷ lệ thu gom rác thải năm 2017 ở khu vực nông thôn đạt 70%, khu vực thành thị đạt 90%. Hà Tĩnh có 10 bãi rác, sáu lò đốt và hai nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt đang hoạt động, với công suất thiết kế 700 tấn/ngày đêm. Trên thực tế, các nhà máy mới chỉ xử lý được khoảng 220 tấn/ngày đêm.

Từ thực tế trên, Văn phòng Điều phối nông thôn mới và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Hà Tĩnh đã phối hợp triển khai thí điểm mô hình thu gom, xử lý rác thải đầu nguồn tại một số địa phương ở Tượng Sơn (Thạch Hà), Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên) và trên toàn huyện Nghi Xuân từ cuối năm 2016. Đây là sự kết hợp của tư duy khoa học, sát sao thực tiễn và quản lý.

Bà Nguyễn Thị Hà, 45 tuổi, thôn 3, xã Xuân Trường, huyện Nghi Xuân phấn khởi nói: Việc phân loại rác thải tại nguồn được gia đình thực hiện nghiêm túc trong 2 năm nay. Rác hàng ngày được phân ra 3 loại, nước thải cũng được lắng lọc và dùng chế phẩm sinh học Hatimic của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để ủ phân làm vườn, đỡ tốn tiền mua phân hóa học. Mặc dù gia đình chăn nuôi gà, lợn nhưng không hề có mùi, cách làm này cũng giảm được lượng rác hàng ngày.

“Từ cách làm hiệu quả ở một số địa phương thời gian qua thì chắc chắn xử lý rác thải, nước thải sẽ không còn là bài toán khó đối với Hà Tĩnh. Đặc biệt, mô hình không chỉ khắc phục triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn, mà còn mang lại nguồn lợi từ nguồn phân bón vi sinh để cải tạo đất nông nghiệp biến các vùng nông thôn trở thành khu dân cư xanh, những miền quê đáng sống”, bà Dương Thị Ngân, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Hà Tĩnh cho biết.

Cũng theo bà Ngân, việc thu gom rác đầu nguồn là tốt, nhưng có một nghịch lý là ở gia đình thì phân loại, khi đổ rác ra xe lại... dồn chung làm một. Thế nên, việc phân loại rác không còn tác dụng, điều này cần một cơ chế thích hợp của các cấp ngành liên quan. Để mô hình đạt hiệu quả cao nhất thì phải cần có sự vào cuộc và quản lý đồng bộ, bên cạnh việc cung ứng chế phẩm sinh học, tuyên truyền, hướng dẫn cho mọi người hiểu rõ về cách làm cũng như tác dụng, thì phải cho người dân thấy lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội đem lại cho mỗi người dân, mỗi hộ gia đình và cho cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ