4 yêu cầu trong giảng dạy
Khi giảng dạy các nhân vật lịch sử, thầy Nguyễn Ngọc Thanh lưu ý, giáo viên cần chú ý một số yêu cầu sau:
Thứ nhất: Giảng dạy các nhân vật lịch sử cần phải tuân thủ lý luận nhận thức theo quan điểm chủ nghĩa Mac - Lênin. Dạy học nhân vật lịch sử cần đảm bảo nguyên tắc từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn.
Muốn vậy, giáo viên trên cơ sở các sự kiện nhân vật lịch sử từ đó rút ra những kết luận liên quan phản ánh đúng bản chất sự kiện – nhân vật.
Các sự kiện đưa ra phải chính xác, có lựa chọn theo từng mô típ khác nhau. Đánh giá nhân vật cần tuân thủ sự thật lịch sử, phải đặt họ vào thời đại họ sống xem họ làm được gì, chưa làm được gì?
Thứ hai: Dạy học các nhân vật lịch sử phải đặt trong mối quan hệ với quần chúng nhân dân, với các nhân vật khác và với sự kiện lịch sử. Bởi lịch sử là lịch sử quần chúng nhân dân, một khi cá nhân đựơc nhân dân ủng hộ thì chắc chắn dành thắng lợi và ngược lại.
Bên cạnh đó, hoạt động của nhân vật lịch sử sẽ tác động đến các sự kiện khác, có thể hành động của cá nhân sẽ làm thay đổi cục diện lịch sử lúc bấy giờ.
Thứ ba: Phải chú ý đến mục đích giáo dục tư tưởng, tình cảm và phát triển nhân cách học sinh.
Thứ tư: Khi dạy học các nhân vật lịch sử cần phát huy tính tích cực của học sinh. Phương pháp thầy đọc trò chép đã cũ, hiện nay học sinh phải ở vị trí trung tâm, học sinh dưới sự hướng dẫn của giáo viên mạnh dạn phát biểu ý kiến đưa ra nhận xét. Giáo viên kết luận, chốt ý.
Phải có hình ảnh về nhân vật
Để khắc sâu hình ảnh nhân vật, giúp học sinh có những biểu tượng cụ thể về nhân vật, trước hết học sinh phải biết chân dung nhân vật đó để kết hợp cùng lời kể, mô tả để dễ dàng hình dung về nhân vật.
Tuy nhiên, trong SGK không phải nhân vật nào cũng có hình ảnh minh họa, vậy giáo viên phải ứng dụng công nghệ vi tính vào quá trình giảng dạy.
Những bài học mà nội dung gắn liền với nhân vật lịch sử nhưng SGK không có hình ảnh, giáo viên có thể dùng máy chiếu để học sinh thấy hình ảnh nhân vật đó.
Ngoài ra, giáo viên có thể cho học sinh xem các đoạn phim tư liệu. Lưu ý, vì tiết học chỉ 45 phút nên cần chọn những đoạn phim chứa nội dung cô đọng, phục vụ thiết thực cho bài học.Ví dụ khi dạy mục IV “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập”, giáo viên cho học sinh xem đoạn phim tư liệu Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ( Hà Nội).
Hay khi dạy mục III của bài 23 “Giải phóng hoàn toàn miền Nam, giành toàn vẹn lãnh thổ Tổ Quốc”, giáo viên cho học sinh xem đoạn phim tư liệu: Lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh- Tổng thống chính quyền Sài Gòn do Trung tá Bùi Văn Tùng viết, Dương Văn Minh đọc vào ngày 30/4/1975.
Lời giảng sinh động, truyền cảm
Giảng dạy các nhân vật lịch sử cần kết hợp lời nói sinh động truyền cảm của giáo viên với các loại đồ dùng trực quan để hình thành cho học sinh biểu tượng về nhân vật lịch sử.
Có thể khẳng định, lời nói truyền cảm và giàu hình ảnh của giáo viên đóng vai trò rất lớn trong giáo dục học sinh nói chung và trong việc giảng dạy các nhân vật lịch sử nói riêng.
Với lời nói dịu dàng, đầy cảm xúc khi trình bày các nhân vật có ảnh hưởng quan trọng trong sự kiện lịch sử; lời nói sinh động để mô tả, kể chuyện, tường thuật về nhân vật lịch sử sẽ cung cấp thêm tư liệu sinh động, phương pháp tạo hình ảnh khách quan đa dạng cho học sinh.
Ví dụ: Khi giảng dạy nhân vật Crôm Oen(Trong bài Cách mạng tư sản Anh-lớp 10 cơ bản), sau khi cho học sinh quan sát chân dung của Crôm Oen (hình 52 SGK), giáo viên có thể diễn đạt một đoạn như sau:
“Ôlivơ Crôm Oen (1599-1658) là một địa chủ hạng trung thuộc tầng lớp quí tộc mới, ông là người tầm thước vạm vỡ và rắn chắc, mái tóc màu hạt dẻ, đôi mắt xám màu thép nhìn xuyên suốt, mũi hơi to so với các các đường nét khác trên khuôn mặt, tiếng nói vang vang, đanh thép.
Khi muốn người ta hiểu mình, ông nói mạnh mẽ và có sức thuyết phục, nhưng không hoa văn ... Ông ăn mặc giản dị thường mặc chiếc áo dạ, cổ áo bằng vải thô trắng, đầu đội chiếc mũ tồi tàn, luôn đeo kiếm bên mình.
Phát huy vai trò đồ dùng trực quan
Khi sử dụng đồ dùng trực quan cần đáp ứng những yêu cầu của bài, đảm bảo tính chính xác tính thẩm mĩ, khoa học phù hợp đối tượng học sinh. Trước tiên, giáo viên cần khai thác tốt hình ảnh có trong SGK.
Ví dụ: Khi giảng bài 19 (lớp 11- cơ bản), để khắc họa nhân vật Trương Định - tượng trưng cho tinh thần chống Pháp của nhân dân Nam Kì, giáo viên hướng dẫn học sinh khai thác hình 51.
Nhìn vào bức tranh, ta thấy bên phải là hình ảnh nhân dân tham dự rất đông, phấn khởi hào hùng, mang theo cờ, các nghĩa binh với vũ khí thô sơ… Cảnh tượng này đối lập với quan quân triều đình (phía trái bức tranh), viên quan ngơ ngác hoảng sợ, ngựa quay đầu lại chuẩn bị lên đường, quân lính nhớn nhác.
Qua bức tranh, học sinh không chỉ thấy được tinh thần dũng cảm, kiên quyết đánh giặc đến cùng của Trương Định mà còn thấy được khí thế đấu tranh của nhân dân Nam Kì, thấy được tinh thần bạc nhược, muốn cầu hòa của triều đình.
Cùng với việc khai thác tốt hình ảnh minh họa trong SGK, giáo viên cũng cần xây dựng hệ thống đồ dùng trực quan phù hợp nội dung bài dạy; sử dụng đồ dùng trực quan kết hợp với tường thuật, mô tả để tạo biểu tượng về nhân vật lịch sử cho học sinh.
Cho học sinh tự tìm hiểu về nhân vật
Để thực hiện phương pháp này hiệu quả, trong khâu chuẩn bị giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh tìm hiểu những vấn đề cụ thể.
Ví dụ, mức độ đầu tiên học sinh cần tiếp nhận là ngày, tháng, năm sinh, năm mất, đôi nét về hoàn cảnh xuất thân, nội dung về thời đại lịch sử mà nhân vật đó sống và hành động.
Ở mức độ cao hơn, học sinh cần tìm hiểu đó là nhân vật đó bắt đầu hoạt động trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa ...từ khi nào? Thái độ, lập trường, quan điểm chính trị, tư tưởng của nhân vật, những giai đoạn hoạt động của nhân vật, thành công hay thất bại, ảnh hưởng của nhân vật đó vào thời đại mà nhân vật sống.
Theo trình tự đó, căn cứ vào đối tượng học sinh, giáo viên cho các em trình bày khoảng 3 -5 phút, cho cả lớp nhận xét đánh giá từ đó giáo viên kết luận vấn đề một cách hoàn chỉnh.
Xây dựng hệ thống câu hỏi
Trước khi lên lớp giáo viên cần xây dựng cho mình một hệ thống câu hỏi. Các bài tập nhận thức, câu hỏi trắc nghiệm nhằm phát triển tư duy kích thích tinh thần học tập của học sinh; chú ý nguyên tắc vừa sức.
Một trong những yêu cầu của phương pháp này là giáo viên phải liên tục tạo ra các tình huống có vấn đề, từ đó tổ chức cho các em giải quyết vấn đề. Phải làm cho giờ học luôn luôn là một chuỗi liên tục của tình huống có vấn đề, rồi vấn đề được giải quyết tức là được nhận thức và tình huống mới lại xuất hiện.
Bên cạnh các câu hỏi trên lớp, các bài tập nhận thức, bài tập thực hành giáo viên còn có thể tự xây dựng cho mình một số khuôn mẫu qua đó nhận xét, đánh giá học sinh.
Dạy nhân vật lịch sử gắn với công tác ngoại khóa
Việc giảng dạy các nhân vật lịch sử phải gắn liền công tác ngoại khóa, thông qua đó củng cố thêm kiến thức cho học sinh.
Tùy theo điều kiện của nhà trường và giáo viên mà trong các tiết học ngoại khóa giáo viên sẽ củng cố thêm kiến thức, hình thành cách nhìn nhận về nhân vật lịch sử.
Đối với bộ môn lịch sử Việt Nam, đây là một ưu thế, áp dụng trong chương trình lịch sử THPT, giáo viên có thể cho học sinh sưu tầm các tranh ảnh về nhân vật lịch sử, cho học sinh đi tham quan các viện bảo tàng, các di tích lịch sử hoặc gặp gỡ nhân chứng lịch sử để các em hiểu rõ hơn về nhân vật lịch sử.
Tuy vậy, giáo viên cần chú ý, điều cốt yếu của việc tổ chức hoạt động nhận thức của học sinh ở nội khóa cũng như ngoại khóa là đừng làm cho học sinh thụ động tiếp thu kiến thức mà phải phát huy cao độ tính tích cực, tự giác của các em.
Vận dụng nguyên tắc liên môn
Để học sinh hứng thú hơn, dễ nhớ, nhớ lâu về các nhân vật lịch sử cũng như vai trò và đóng góp của các nhân vật lịch sử, giáo viên còn phải vận dụng nguyên tắc kiến thức liên môn, nhất là tài liệu văn học (có thể là ca dao, các câu thơ, đoạn thơ, tác phẩm văn học…), làm cho việc học và nhớ các nhân vât lịch sử trở nên nhẹ nhàng hơn.
"Qua các năm giảng dạy, tôi thấy nhiều lúc hỏi học sinh ai là người lãnh đạo cuộc kháng chiến nào đó thì các em không nhớ. Nhưng khi gợi ý ông là tác giả của bài thơ, bài văn nào đó thì các em lại nhớ" - thầy Nguyễn Ngọc Thanh chia sẻ.
Khắc sâu bằng chính câu nói của nhân vật
Đây cũng là một cách rất hiệu quả, học sinh vừa dễ nhớ, vừa rất hứng thú.
Chẳng hạn khi dạy mục II của bài 19 (lớp 10 -cơ bản) các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên ở thế kỉ XIII, giáo viên có thể khắc họa nhân vật Trần Quốc Tuấn bằng chính câu trả lời của ông với Thượng hoàng Thánh Tông: “Bệ hạ chém đầu tôi rồi hãy hàng”.
Hay Trần Bình Trọng khi bị giặc bắt, chúng dụ dỗ mua chuộc ông, ông đã mắng lại chúng: “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”.
Bằng những câu nói đó, học sinh không chỉ nhớ các vị tướng nhà Trần mà còn thấy được hào khí, quyết tâm đánh giặc đến cùng của quân dân thời Trần.