(GD&TĐ) - Các nhà khoa học thuộc Hội đồng Liên chính phủ về thay đổi khí hậu (IPCC: Intergovernmental Panel on Climate Change) của Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết ngập lụt, hạn hán, bão tố và nhiệt độ gia tăng bất thường có dấu hiệu ngày càng thường xuyên hơn, mãnh liệt hơn, ảnh hưởng đến sức khoẻ của nhiều cộng đồng, bất kể giàu hay nghèo. “Trái đất và loài người chúng ta đang ở trong tình trạng dễ tổn thương hơn là chúng ta tưởng” - Gordon McBean thuộc Viện Kéo giảm thảm hoạ (Institute for Catastrophic Loss Reduction) thuộc ĐH Western Ontario, một thành viên tham gia soạn báo cáo của hội đồng, nói.
Phát hiện mới của một vấn đề cũ
Những phát hiện mới trong Báo cáo Đặc biệt (Special Report) của IPCC được đưa ra nhân khóa họp lần thứ 34 của hội đồng tại Kampala, Uganda. Báo cáo nhấn mạnh: “Những biến cố khí hậu cực đoan là hiếm, điều đó có nghĩa là ít có dữ liệu lưu trữ nào nói về vấn đề này. Tuy nhiên, tại một số khu vực, đã có các chỉ dẫn cho thấy xu hướng cực đoan về khí hậu ngày một thường xuyên hơn. Các hình thái bão tố và lốc xoáy cũng thế. Cả cường độ lẫn mức tàn phá đều tăng. Những hòn đảo nhỏ, vùng núi và vùng biển là nạn nhân chính của khí hậu cực đoan. Hệ quả là mức nước biển dâng cao hơn, ngập lụt nhiều hơn và thời tiết nóng hơn, tại cả các nước đã và đang phát triển. Tình hình vừa xảy ra tại thủ đô Bangkok của Thái Lan và một số nơi khác trên thế giới là minh chứng cho cảnh báo này”.
Hạn hán đe dọa mùa màng |
Tuy nhiên, các nhà khoa học soạn thảo báo cáo cũng nêu rõ là “vẫn còn tranh cãi trong việc xem thay đổi khí hậu như một trong các yếu tố đóng góp vào thời tiết cực đoan”. Ví dụ một nghiên cứu năm 2009 dù chỉ ra rằng “các trận bão tại Bắc Đại Tây Dương ngày càng thường xuyên hơn so với 1.000 năm trước” và kết luận “đây là diễn biến bất thường”, nhưng nghiên cứu vẫn không dám kết luận “thủ phạm là Trái đất nóng dần lên”. Đầu năm nay, một báo cáo khác cũng khẳng định có sự liên hệ giữa mức tăng khí thải CO2 và mưa nhiều bất thường tại Bắc bán cầu, nhưng nói thêm là “hệ thống khí hậu toàn cầu quá phức tạp đến nỗi không thể khẳng định chính xác đâu là thủ phạm chính”. GS Mike Hulme, trưởng bộ môn thay đổi khí hậu tại Đại học East Anglia, Anh, nhận định: “Một thế giới ấm dần có nghĩa là nguy cơ xảy ra các hiện tượng khí hậu cực đoan sẽ lớn hơn. Tuy nhiên, việc khẳng định các yếu tố nào là nguyên nhân chính tạo ra lỗ thủng tầng ozone là điều rất khó. Chúng ta không thể cô lập một yếu tố, như sóng nhiệt hay mưa bão, và càng không đúng khi đổ lỗi toàn bộ cho con người. Theo tôi, thì chúng ta không có đủ công cụ và kiến thức để kết tội một nguyên nhân nào đã gây ra lỗ thủng tầng Ozone”.
Nỗi lo “đại hồng thủy”
Trong khi đó, tập san Nature cũng vừa đăng 2 công trình nghiên cứu thay đổi khí hậu, và cả hai đều nhấn mạnh “chính khí CO2 đã làm cho hiện tượng khí hậu cực đoan xảy ra thường xuyên hơn, đặc biệt là ngập lụt trên diện rộng và kéo dài”. Sử dụng các số liệu thu thập được và giả lập máy tính, nghiên cứu thứ nhất chứng minh là “có sự liên quan rõ ràng giữa khí thải CO2 và tình trạng mưa nhiều, mưa lớn ở Bắc Bán cầu (Northern Hemisphere)”. Nghiên cứu thứ 2 hợp tác giữa Canada và Anh chỉ ra rằng “khí CO2 đã làm tăng cả số trận lụt lẫn cường độ tại nhiều khu vực trên thế giới”. Lượng mưa đo được tại Anh trong năm nay được xem là cao nhất từ năm 1766. Ngôi làng Hampshire ở vùng Hambledon bị nước nhấn chìm đến 6 tuần liền, khiến các công ty bảo hiểm phải bỏ ra hơn 1 tỉ bảng Anh tiền bồi thường khắc phục hậu quả. “Những trận lụt trong năm 2011 cũng đến nhanh hơn khi lưu vực các con sông dâng nhanh hơn. Hệ quả là nhiều nơi bị ảnh hưởng trở tay không kịp” - Pardeep Pall, nhà nghiên cứu Đại học Oxford, thành viên của nghiên cứu thứ nhất nhận định.
Lũ ở thủ đô Bangkok |
Bjorn Lomborg, một nhà môi trường Đan Mạch khuyến cáo các chính phủ nên quan tâm trước đến nơi ở và cách sống của người dân khi tình hình thay đổi khí hậu diễn ra ngày càng khốc liệt. “Chúng ta không nên tập trung vào các mục tiêu quá xa vời mà nên bảo vệ người dân trước con quỉ lụt lội, và nên cấm phát triển khu dân cư tại những nơi dễ bị lụt lội” - ông nói. Thành phố Bangkok của Thái Lan đang đi theo xu hướng này, khi tính toán dời đô. Nói chung, các đô thị nên chuyển đến những nơi cao hơn, xa những con sông và bờ biển để tránh lụt lội và ảnh hưởng của triều cường. Hệ thống đê điều phân lũ, khi tích nước, khi xả lũ cũng phải hoàn chỉnh và đồng bộ. Bà Christiana Figueres, thư ký Hội nghị Thay đổi khí hậu của LHQ (UNFCCC), tuyên bố trước quốc hội Tây Ban Nha là việc ngăn chặn khí thải nhà kính nên được xem là ưu tiên hàng đầu trong cuộc chiến chống thay đổi khí hậu và ngập lụt.
Tại Thái Lan, lụt lội diễn biến phức tạp từ khi bắt đầu mùa mưa 2011, mà nghiêm trọng nhất là ở Chao Phraya. Lụt bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống người dân từ tháng 7 và sẽ tiếp tục trên 3 tháng. Tính đến đầu tháng 11 đã có hơn 500 người chết và cuộc sống của 2,3 triệu người bị ảnh hưởng, thiệt hại cho nền kinh tế khoảng 5,1 tỉ USD. Lụt đã nhấn chìm 6 triệu hecta đất, kể cả quận trung tâm Bangkok trong nhiều ngày. 300.000 hecta canh tác thuộc 58 tỉnh từ Chiang Mai ở phía bắc đến giáp Bangkok gần cửa sông Chao Phraya bị thiệt hại. Trận lụt năm nay được mô tả là tệ hại nhất trong 50 năm. Nhiều khu công nghiệp bị nhấn chìm đến 3 mét, ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu của các công ty trong nước và đầu tư nước ngoài.
Bão tấn công nước Mỹ |
Bài toán kinh phí
Khi lụt lội mạnh hơn và đến thường xuyên hơn tại nhiều nơi trên thế giới, các chính phủ sẽ phải chuẩn bị trước các biện pháp đối phó để phòng ngừa. Tiếc thay, xu hướng cắt giảm kinh phí chống lụt đang tiếp tục xảy ra tại một số nước. Ví dụ ở Anh, kinh phí chống lụt vừa bị cắt giảm 8% trong tháng 11. Phát ngôn viên của Bộ Môi trường, Thực phẩm và các vấn đề nông thôn (Defra) khẳng định việc cắt giảm này sẽ ảnh hưởng đến các nghiên cứu phòng chống lụt. “Trong 4 năm qua, Defra đã chi hơn 2,1 tỉ bảng Anh để bảo vệ hơn 145.000 ngôi nhà. Defra cũng đã tìm ra những sáng kiến quản lý lụt mới. Nhưng hiện chúng tôi đang gặp khó khăn về kinh phí” - ông nói. Kinh phí cho môi trường bị cắt cũng có nghĩa là tiền cho hoạt động nghiên cứu về thay đổi thời tiết và cách đối phó với chúng sẽ không còn nhiều. Ví dụ tại Canada, Cơ quan quản lý hoạt động nghiên cứu thay đổi khí hậu có nguy cơ phải đóng cửa sau bốn tháng nữa. Bà Denny Alexander, phát ngôn viên của Hội khoa học khí quyển và khí hậu của Canada (Canadian Foundation for Climate and Atmospheric Sciences) cho biết nếu không được cấp kinh phí bổ sung, hội sẽ ngưng làm việc vào tháng 3. Hội là nguồn tài trợ chính cho các nghiên cứu khí hậu và thời tiết. Nay nguồn này đã bị giảm mạnh do kế hoạch tiết kiệm chi tiêu ngân sách của chính phủ. “Hội quan tâm sâu sắc đến việc mất cân đối nghiêm trọng trong phân bổ ngân sách liên bang năm 2011” - Alexander nhận định và khẳng định số tiền được cấp chưa bằng phân nửa số tiền cần cho nghiên cứu. Mới đây, Bộ trưởng Môi trường, Peter Kent cho biết chính phủ chỉ dành 30 triệu đô la ngân sách để nghiên cứu thích nghi với thay đổi khí hậu mỗi năm. Chủ tịch đảng Green Leader Elizabeth May nói số tiền này quá nhỏ bé so với những chi phí chính phủ phải bỏ ra để giải quyết các hậu quả của thay đổi khí hậu. Ví dụ hàng trăm triệu đô la đã phải chi ra để bồi thường cho khu vực Prairies để một tuyến đường mới về phía bắc có thể đi qua khu vực này.
Tại Hội thảo “Lựa Chọn Xanh Vì Cuộc Sống Tốt Đẹp Hơn” do Công ty Cổ phần Giấy Sài Gòn phối hợp với Ban điều phối Chiến dịch toàn cầu về biến đổi khí hậu (BĐKH) 350.org tại Việt Nam tổ chức, các chuyên gia BĐKH cho biết: Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, nguyên nhân gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu có đến 90% do con người, chỉ có 10% là do tự nhiên. Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới bởi biến đổi khí hậu, chịu tác động trực tiếp và gián tiếp đến con người và các hoạt động kinh tế xã hội. Chiến dịch 350.0rg là chiến dịch chống BĐKH có quy mô lớn nhất toàn cầu được khởi xướng năm 2007, nay đã lan đến 188 quốc gia. Tại Việt Nam, Chiến dịch toàn cầu về biến đổi khí hậu năm nay sẽ diễn ra các hoạt động như Trại khí hậu, Mái trắng tường xanh, Không ống hút, kêu gọi mọi người đi làm, đi học bằng xe đạp, đi bộ… Chiến dịch cũng đã thu hút sự hưởng ứng của nhiều doanh nghiệp; Trong đó đáng ghi nhận hành động Ký kết bảo vệ Môi trường xanh giữa Công ty Giấy Sài Gòn và Tổ chức 350.org Việt Nam trong việc thu gom giấy vụn, tái chế giấy cũ và mua bảo hiểm sức khỏe cho người tiêu dùng. |
Hồng Hải
(Theo The New York Times, The Los Angeles Times, The Economist, Bangkok Post)