(GD&TĐ) - Nhiều giáo viên, học sinh khá thú vị với đề thi môn Địa lý, ngoài việc nội dung đề cập nhiều đến những kiến thức thực tế còn một lý do khác, đó là biển đảo – một vấn đề thời sự khá nóng bỏng tiếp tục được đưa vào đề thi.
Trao đổi về bài thi Địa lý tại điểm thi Trường THPT Đoàn Thị Điểm (Cầu Giấy - Hà Nội). Ảnh: NN |
Ý 1 nhỏ của câu III trong đề thi: “Việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong giải quyết các vấn đề biển, đảo có ý nghĩa như thế nào” được Nghiêm Thùy Linh – Học sinh lớp 12A5 Trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: Em rất hào hứng và không bất ngờ với nội dung biển đảo tiếp tục được đề cập đến trong đề thi Địa lý năm nay và làm rất tốt câu hỏi này.
“Với câu hỏi trên, nếu chỉ học trong sách giáo khoa các bạn vẫn có thể làm được nhưng không thể sâu sắc. Để làm thật tốt, đòi hỏi các bạn cần có kiến thức thực tế, chịu khó lắng nghe, cập nhật những thông tin trên truyền thông. Kiến thức giúp em tự tin hoàn thành tốt câu hỏi này chủ yếu do chịu khó đọc trên sách báo, xem truyền hình.
Bài làm của em nhấn mạnh đến việc Việt Nam tăng cường hợp tác với các nước láng giềng để tranh thủ sự hợp tác, tình thân, từ đó tạo chỗ dựa vững chắc; đồng thời để phát triển kinh tế biển, các ngành du lịch, quan trọng nhất là khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên trường quốc tế” – Linh tự tin chia sẻ.
Linh cho biết thêm, trong quá trình ôn thi và cả những buổi học ngoại khóa, nhà trường rất hay đề cập đến vấn đề biển đảo, các thầy cô cũng dự đoán có thể vấn đề này sẽ tiếp tục được đưa vào đề thi nên em và các bạn không nhiều bất ngờ.
Ngoài vấn đề biển đảo, đề thi Địa lý năm nay khá thú vị bởi hướng nhiều đến kiến thức thực tế như: Vấn đề lao động, việc làm. Điều này khác với các năm trước, thường tập trung vào phần lãnh thổ Việt Nam hay 7 vùng kinh tế.
Bạn nào tư duy tốt, chịu khó chú ý những vấn đề trên các phương tiện truyền thông sẽ làm rất tốt đề thi này. Cá nhân em thấy đây là đề hay, có tính phân loại học sinh, khuyến khích học sinh tư duy, mở rộng vốn kiến thức. Em tự tin đạt khoảng 8 - 9 điểm.
Một số giáo viên được hỏi đã bày tỏ niềm vui khi ngành giáo dục đã ra đề thi đáp ứng được nhận thức xã hội không chỉ về vấn đề chủ quyền biển đảo mà những vấn đề về kinh tế, xã hội cũng rất thiết thực.
Cô Nguyễn Thị Nga – Giáo viên Trường THPT chuyên ĐHSP Hà Nội - cho rằng: Hiện nay, việc học và thi đều hướng tới phải gắn với tình hình thực tế của đất nước. Đề thi Địa lý năm nay đã làm được việc này, đã đạt được cái đích của giáo dục.
Vấn đề kinh tế là hoạt động xuất khẩu vấn đề xã hội liên quan đến lao động, việc làm đều là những vấn đề đang rất được quan tâm hiện nay. Đặc biệt, đề thi cũng đã truyền được một thông điệp ý nghĩa về vấn đề biển đảo không chỉ cho gần 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay.
“Đề thi có cấu trúc ngắn dọn, nhẹ hơn so với đề thi năm trước, kiểm tra được tất cả những kỹ năng của học sinh” – Cô Nga nhận xét thêm.
Hiếu Nguyễn