* Thưa GS, Báo cáo Chính trị tại Đại hội XII của Đảng có kiểm điểm nhiều nội dung quan trọng liên quan đến quá trình đổi mới và phát triển nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có GD-ĐT. Vậy GS có nhận xét gì về những đổi mới của GD-ĐT mà trong Báo cáo Chính trị đã nêu?
- Trong Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng có kiểm điểm quá trình 30 năm đổi mới (từ 1986 - 2016). Báo cáo cũng khẳng định thành tựu mà ngành GD-ĐT đã đạt được trong 30 năm qua. Thực sự cho đến nay chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ kể cả về kinh tế, xã hội cũng như an ninh quốc phòng để duy trì được hệ thống giáo dục quốc dân phát triển như ngày nay, với hơn 22 triệu sinh viên, học sinh và 1 triệu các thầy, cô giáo.
Điều đáng nói là, tại Đại hội lần này, một lần nữa Trung ương Đảng tiếp tục khẳng định một tư tưởng, đường lối mà Đảng ta đề ra từ năm 1991 đó là: Coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đây là điều hết sức quan trọng, bởi muốn bảo vệ và phát triển đất nước thì phải phát triển giáo dục thật tốt. Mặt khác chủ trương này cũng là phù hợp với thực tiễn và truyền thống hiếu học của dân tộc ta.
* Nghị quyết Trung ương II, khóa VIII (1996) đã xác định: Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Song nhiều cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên cho rằng: Chủ trương trên vẫn chưa thực sự đi vào thực tiễn và chưa trở thành động lực để phát triển GD-ĐT. Vậy GS có bình luận gì về nhận xét này?
- Tôi rất chia sẻ với những băn khoăn của các nhà giáo. Thực trạng này cũng được Báo cáo chính trị của Trung ương Đảng khóa XI trình Đại hội XII chỉ rõ những thiếu sót của giáo dục hiện nay. Đó là Giáo dục chưa được các cấp ủy Đảng và được toàn dân coi như là quốc sách hàng đầu và trở thành động lực phát triển.
Trong báo cáo Chính trị cũng nêu lên những mặt chưa được trong phát triển giáo dục 5 năm qua. Chẳng hạn như sự phát triển của giáo dục chưa phục vụ tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trước đó, tại các hội thảo của Bộ Chính trị kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Trung ương II khóa VIII năm 1996, chúng tôi cũng đã có ý kiến về việc các cấp ủy Đảng từ cơ sở đến Trung ương chưa coi phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, nghĩa là trong đó có nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm. Ví dụ như: Trong quản lý giáo dục vẫn chưa đạt được như mong muốn. Đặc biệt là về chất lượng, chúng ta vẫn quá thiên về chữ nghĩa và còn quá ít về thực hành. Việc sử dụng ngân sách giáo dục chia về các địa phương còn chưa phù hợp.
Nhiều người còn nói, không biết ngân sách giáo dục chia về các tỉnh cộng lại có bằng 20% của ngân sách Nhà nước hàng năm hay không. Hoặc là ngân sách giáo dục đưa về đến địa phương được 10 thì có khi chỉ chi 7 hoặc 8 phần.
* Vậy với tư cách là một Đảng viên và cũng là một nhà giáo, GS có kiến nghị gì với Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, để chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu ngày càng đi vào thực tiễn và trở thành động lực phát triển nền giáo dục của nước nhà?
- Với tư cách là một nhà giáo và cũng là một đảng viên, tôi rất mừng vì tại Hội nghị Trung ương lần thứ VIII, Khóa XI đã ban hành được Nghị quyết 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để chúng ta khắc phục tâm lý khoa cử, ứng thí và đổi mới giáo dục theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học.
Trong báo cáo Chính trị cũng nêu rõ là phải tiếp tục thực hiện kiên cố hóa trường lớp trong cả nước và đảm bảo yêu cầu tối thiểu về thiết bị trường học. Tôi rất tán thành và rất vui với quan điểm này.
Thực tế hiện nay cho thấy, cơ sở vật chất trường lớp vẫn còn quá thiếu thốn, ngay ở các thành phố lớn cũng khó tìm ra trường nào đủ thiết bị thí nghiệm, thực hành, phòng bộ môn. Còn trong lớp cũng thiếu thốn đủ bề, đấy là chưa kể một vài trường điểm, ở thành phố có tới 60 học sinh/một lớp. Bên cạnh đó, đối với các trường miền núi, vùng sâu, vùng xa cơ sở vật chất vẫn còn là một bài toán nan giải. Nhiều địa phương học sinh vẫn phải học trong phòng học tạm bợ bằng tranh tre, nứa lá.
Vì vậy, tôi mong rằng từ nay đến năm 2020, chủ trương thực hiện kiên cố hóa trường học đạt được mục tiêu đề ra và các thiết bị trường học đạt được yêu cầu tối thiểu.
Ngoài ra, cần tổ chức lại hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp theo yêu cầu phục vụ nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa. Đặc biệt là Đảng, Nhà nước cần quan tâm thích đáng đến đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, để họ có thể “sống” được bằng đồng lương của mình.
* Xin trân trọng cảm ơn GS!
Ngoài ra, cần tổ chức lại hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp theo yêu cầu phục vụ nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa. Đặc biệt là Đảng, Nhà nước cần quan tâm thích đáng đến đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, để họ có thể “sống” được bằng đồng lương của mình”.