(GD&TĐ)-Ngày 26/5, Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova đã chính thức phê duyệt hệ thống Bia tiến sỹ của các triều đại Hậu Lê và nhà Mạc (1442-1779) được dựng tại Văn Miếu của Việt Nam vào danh sách Ký ức Thế giới
Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu |
Bia tiến sĩ Văn Miếu gồm 82 tấm bia đá khắc các bài văn bia đề danh tiến sĩ Nho học Việt Nam của các khoa thi Đình thời nhà Hậu Lê và nhà Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Bia được đặt trên lưng rùa đá để biểu thị sự trường tồn của tinh hoa dân tộc, phản ánh được giá trị văn hóa, lịch sử của đất nước trong suốt 300 năm. |
Trước hết, đây là một di tích có giá trị lịch sử, ghi danh những danh nhân, trí thức của Việt Nam trong hơn 3 thế kỷ. 82 tấm bia cũng là tài liệu quý về địa lý, lịch sử. Bởi địa danh thay đổi theo thời gian. Những gì còn ghi lại trong những bia đá này ít nhiều sẽ giúp người đời sau tìm được tư liệu quý về dư địa chí. Đây cũng là nơi thể hiện quan điểm giáo dục, đào tạo con người của các triều đại Việt Nam, bộc lộ ngay trong tấm bia cổ nhất: ’Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh…’. Vì vậy, nó cũng có ý nghĩa đề cao đạo học. Hơn nữa, mỗi một tấm bia, ở một khía cạnh nào đó, còn là một công trình văn hóa, kiến trúc, thẩm mỹ
Tổng Giám đốc UNESCO nhấn mạnh bằng việc giúp bảo vệ và chia sẻ các di sản tư liệu quý báu này, Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO cổ vũ sự uyên bác và sự thưởng thức sức sáng tạo phong phú cũng như sự đa dạng của các nền văn hóa và các xã hội con người.
Cho đến nay, 238 di sản tư liệu của các nước trên thế giới đã được đưa vào Danh sách Ký ức Thế giới của UNESCO.
Các di sản được đưa vào Danh sách Ký ức Thế giới rất đa dạng bao gồm các di sản bằng đá, chất dẻo, da động vật, băng audio.
UNESCO phát động Chương trình Ký ức Thế giới năm 1992 nhằm phòng ngừa nguy cơ những di sản tư liệu vô giá của nhân loại bị rơi vào lãng quên, khuyến khích các nước sở hữu bảo quản tốt hơn và giúp quảng bá rộng rãi hơn giá trị của các di sản này trên toàn cầu.
Xuân Hương