Tại nhiều siêu thị, cửa hàng xuất hiện khá nhiều loại bia ngoại mới nhập về nhưng giá khá cao |
Giới kinh doanh bia tết cho biết bia nhập khẩu từ Bỉ, Đức, Hà Lan, Anh, Pháp... đang dồn dập về, tuy nhiên do giá cao gấp 3 - 4 lần so với giá bia nội nên sức mua rất thấp. Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn có xu hướng chọn bia nội.
Tại một số siêu thị, cửa hàng bia ở khu vực Q.1, Q.3 (TP.HCM) những ngày này quầy bia rượu đã bắt đầu nhộn nhịp khách. Trên thị trường xuất hiện hàng loạt loại chai, lon bia ngoại với những thương hiệu như Duel (Bỉ), Oettinger (Đức) với nhiều hương vị khác nhau; bia Chimay (Bỉ) chai xanh, đỏ, bia Royal Dutch (Đức); bia Singha (Thái Lan); bia St.Sebastian Grand Cru (Bỉ), Corona (Mexico)... Các loại bia này có màu sắc và kiểu dáng khá bắt mắt, từ màu đỏ, vàng, nâu, xanh; chai lùn, cao, chai thủy tinh, chai sứ...
Đa số bia ngoại có giá cao hơn nhiều, thậm chí gấp 3-4 lần so với giá bia nội dù cùng dung tích. Đơn cử, bia Chimay có giá bán 95.000-280.000 đồng/chai tùy loại và dung tích. Hay các loại bia chai sứ của Anh, Bỉ giá bán lên đến 250.000 - 255.000 đồng/chai 250ml... Tuy nhiên, nhiều loại bia của Đức bán tại các cửa hàng bia rượu trên đường Nguyễn Thông (Q.3) như DAB, Bitburger, Bermania... cũng chỉ bán trong khoảng 22.500 - 31.500 đồng/lon cho loại 330ml/lon hay 500ml/lon.
Ông Lê Xuân Huy, chuyên kinh doanh bia và các loại nước giải khát ở Q.Tân Bình, cho biết bia ngoại về thị trường TP.HCM có đến vài chục loại. Tuy nhiên, do giá cao nên không bán đại trà ở hầu hết cửa hàng bia, rượu, nước giải khát mà chỉ có ở các siêu thị và một số cửa hàng khu vực trung tâm thành phố.
Dù đã có nhiều thương hiệu bia xuất hiện trên thị trường, nhưng thực tế người tiêu dùng vẫn chỉ ưa chuộng nhất định một vài thương hiệu do hợp “gu”. Và sở thích này cũng phân chia rõ rệt theo từng địa bàn, khu vực. Chiếm đến 40% trong tổng sản lượng lên đến 2,9-3 tỉ lít bia của các nước trong năm nay, các nhãn hàng “333”, “Sài Gòn xanh”, “Sài Gòn đỏ” của Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) được sử dụng rất mạnh từ khu vực miền Trung đổ vào.
Với sản lượng tiêu thụ có thể cán mốc 1,32 tỉ lít bia các loại trong năm 2013, nhưng ông Phan Đăng Tuất, chủ tịch hội đồng quản trị Sabeco, cho biết 90% sản lượng chủ lực đang tập trung cho “333” và “Sài Gòn đỏ”, được xác định dành cho thành phần có thu nhập trung bình trở xuống. “Chúng tôi không e ngại việc cạnh tranh với bia ngoại nhập bởi xét về mức giá và chất lượng, sản phẩm của chúng tôi đã có chỗ đứng riêng, nhất là trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu như hiện nay” - ông Tuất nói.
Theo ông Nguyễn Bảo, chủ cửa hàng thực phẩm Bảo Vân (Q.3), cứ trong 10 lượt khách ghé đến mua bia thì có sáu người chọn “333” “do mức giá rẻ, phù hợp với túi tiền của người lao động khi chỉ xoay quanh 200.000 đồng/thùng (lúc thấp điểm) và khoảng 220.000 đồng/thùng như mùa cao điểm tết hiện nay”. Ông Bảo cho rằng nếu so với mức giá của Heineken là 390.000 đồng/thùng, Tiger khoảng 290.000 đồng/thùng, Sapporo 380.000-390.000 đồng/thùng hay ngay cả bia mới tung ra sau này là Saigon Special của Sabeco khoảng 300.000 đồng/thùng, giá của “333” vẫn là lý tưởng nhất cho việc mua dùng.
Bà H.T., nhân viên một công ty nước ngoài chuyên thu thập dữ liệu nghiên cứu và khảo sát nhóm hàng tiêu dùng nhanh, cho biết thị hiếu của người Việt “luôn cởi mở với các sản phẩm mới khi được mời dùng thử, nhưng đến khi mua thật thì cũng chỉ lựa chọn những thương hiệu đã ăn sâu vào tiềm thức của họ”. Những thương hiệu Foster’s, Zorok... vắng bóng tại thị trường TP.HCM, nơi được cho là vô cùng khắc nghiệt trong việc “thanh lọc” thị phần giữa các thương hiệu, đã chứng tỏ không phải thương hiệu bia ngoại nào cũng dễ tìm chỗ đứng ở thị trường VN.
Đây cũng là lý do khiến Sapporo - một thương hiệu bia đến từ Nhật Bản, được xếp vào “chiếu trên” cho dòng sản phẩm cao cấp, có mức giá ngang ngửa với Heineken dù dung tích chỉ bằng một nửa - sau hai năm được đón nhận nồng nhiệt ở các dịp lễ, tết do kiểu dáng sang trọng, được ưa chuộng dùng làm quà biếu thì năm nay đã không còn “hot” nữa.
Theo Tuổi trẻ