Bị suy thận mạn nên ăn uống như thế nào?

GD&TĐ - Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị đối với những bệnh nhân thận mạn, đặc biệt đối với những bệnh nhân chưa chạy thận. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ có tác động tích cực tới hiệu quả chạy thận sau này của bệnh nhân.

Bệnh nhân suy thận mạn phải có chế độ ăn hợp lý.
Bệnh nhân suy thận mạn phải có chế độ ăn hợp lý.

Suy thận mạntình trạng suy giảm chức năng thận một cách thường xuyên, liên tục, tiến triển chậm và không phục hồi theo thời gian. Bởi vậy bệnh nhân suy thận mạn nên có chế độ ăn uống hợp lý. Điều này sẽ giúp quá trình điều trị của người bệnh hiệu quả hơn.

Chế độ dinh dưỡng này nhằm hạn chế các chất độc hại và các chất không cần thiết để làm chậm quá trình suy thận mạn

Bác sĩ Đặng Hoài Thu, Khoa Nội thận - Tiết niệu - Lọc máu, Bệnh viện Đa Khoa Thành phố Cần Thơ cho biết: Bệnh nhân và người nhà cần nắm rõ nguyên tắc điều trị bằng dinh dưỡng. Đặc biệt chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân suy thận mạn phụ thuộc vào từng giai đoạn của bệnh.

Với chất đạm: Nên tăng cường lượng thực phẩm chứa đạm có giá trị sinh học cao như thịt, các, trứng, sữa… và giảm lượng đạm có giá trị sinh học thấp từ ngũ cốc. Với giai đoạn 1 chưa cần tiết chế đạm. Giai đoạn 2 ăn giảm đạm 0,8 – 1g/kg/ngày.

Giai đoạn 3 ăn đạm thấp 0,6 g/kg/ngày (trong đó 50% đạm động vật và 50% đạm thực vật). Giai đoạn 4: Chế độ ăn đạm rất thấp 0,3 g/kg/ngày + etoacid 0,2 – 0,3 g/kg/ngày.

Giai đoạn 5: lọc máu: Chạy thận nhân tạo: 1 – 1,2 g/kg/ngày; Thẩm phân phúc mạc: 1,2 – 1,4 g/kg/ngày. Năng lượng: Đảm bảo 30 – 35 kCal/kg/ngày. Lipid: Chiếm 20 – 30% năng lượng khẩu phần.

Nên hạn chế mỡ động vật vì nguy cơ rối loạn lipid máu và xơ vữa động mạch. Nên ăn thực phẩm, dầu ăn có chứa omega 3 và acid béo không no. Tinh bột: Chiếm 45 – 55% năng lượng khẩu phần. Nên dùng chất bột chứa ít đạm (như sắn, miến, khoai…) và hạn chế gạo, ngô.

Nước: Đảm bảo cân băng nước, hạn chế nước nhập khi phù, tiểu ít; GFR > 15 ml/ph: không cần hạn chế nước nhập nếu không phù; GFR < 15 ml/ph: nên hạn chế nước nhập. Theo đó, nước nhập/ ngày = Thể tích nước tiểu 24h + 500 ml (mất qua hơi thở, mồ hôi)

Với muối: Không nêm muối, bột ngọt khi nấu ăn.Người bệnh ăn được 1mcp muối/ngày, # 2 mcp nước tương/ngày (dùng để chấm khi ăn). Không ăn: thức ăn nhanh, thịt nguội, thịt xông khói, đồ ăn đóng hộp, đồ ăn chế biến sẵn, mì gói, nước khoáng. Tránh những thức ăn được muối chua như: dưa cải muối, củ cải muối…

Với vitamin và khoáng chất: Theo bác sĩ Đặng Hoài Thu, để tăng cường sức khỏe, người bệnh thận mạn nên chọn các thực phẩm giàu sắt, acid folic, B6, B12 để tránh thiếu máu. Tuy nhiên không nên tự ý mua các thuốc bổ để bổ sung vitamin vì có thể có thành phần có hại cho thận.

Với Kali, phospho: Hạn chế thực phẩm có nhiều phốt pho như phô mai, gan, tôm khô, lá lốt, lòng đỏ trứng, nấm đông cô, đậu nành, hạt sen khô… Không ăn thực phẩm chứa Kali như nho, chuối, nước dừa, nho khô, chuối khô, thanh long, trái bơ…Tuy nhiên người bệnh sẽ ăn được ăn được dưa hấu, táo, lê.

Để bảo đảm sức khỏe, bệnh nhân thận mạn cần xây dựng cho mình một chế độ ăn hợp lý để bảo tồn chức năng thận và hạn chế những biến chứng của bệnh có thể xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ