Bí quyết “vực” học sinh yếu Tiếng Anh

GD&TĐ - Cô Mai Thị Bích Hạnh - Trường THPT Cheguevara (Bến Tre) - chia sẻ bí quyết “vực” những học sinh yếu Tiếng Anh ở cả 4 kỹ năng.

Bí quyết “vực” học sinh yếu Tiếng Anh

Lấp “hổng” từ vựng

Đa số học sinh không biết cách học từ vựng, không biết từ loại của từ, học mà không nhớ rõ nghĩa, hoặc nhớ nghĩa mà không thuộc từ.

Đối với học sinh nhóm này, yêu cầu các em mỗi ngày học thuộc ba từ vựng mới ( phía sau SGK, theo đơn vị bài học mà giáo viên đã cho biết cách đọc).

Vào 15 phút đầu giờ, giáo viên nhờ cán sự bộ môn và một số học sinh giỏi trong lớp đi kiểm tra những em yếu từ vựng này và báo kết quả lại cho giáo viên.

Đến ngày học phụ đạo lần sau, sẽ kiểm tra tất cả các từ vựng mà đã yêu cầu các em học trong một tuần.

Làm được như thế, đối với một em chịu học từ vựng một cách nghiêm túc thì nhanh chóng lượng từ vựng trong trí nhớ của các em sẽ được nâng lên.

Nâng kỹ năng đọc

Với đối tượng yếu kỹ năng đọc, giáo viên phải có kế hoạch dạy cho các em đó trong tiết kỹ năng đọc.

Có nhiều cách để hoàn thiện kỹ năng này. Trong phần đọc để tìm hiểu bài, giáo viên có thể cho học sinh yếu kém tham gia bình thường, nhưng chỉ hỏi những câu hỏi dễ và gần gũi để các em trả lời được.

Đồng thời, chỉ các em kĩ năng đọc hiểu (đọc câu hỏi, rà vào đoạn lấy thông tin và trả lời).

Lưu ý khi dạy kỹ năng viết

Khi dạy kỹ năng viết giáo viên cần lưu ý đến các em yếu kém. Ví dụ khi giáo viên nêu yêu cầu biến đổi từ cấu trúc: “ Though +mệnh đề ” sang cấu trúc “In spite of +N/V.ing”, đối với học sinh yếu kém, giáo viên cho nhiều câu ví dụ, rồi cho công thức, yêu cầu các em lần lượt lặp lại công thức; sau đó cho các bài tập đơn giản (viết lên bảng hoặc photo ).

Giáo viên yêu cầu học sinh đọc câu của mình làm, những học sinh khác nghe và lặp lại. Đến khi biết chắc là học sinh làm đúng câu đó, giáo viên cho một học sinh lên viết câu đó.

Cứ như thế, có sự giúp đỡ của giáo viên, học sinh sẽ quen và kỹ năng viết của các em được cải thiện dần.

Biện pháp với học sinh yếu ngữ pháp

Trong một tiết học phải cho tất cả học sinh hoạt động, bằng nhiều cách lôi cuốn các em vào các hoạt động học tập, tránh tình để học sinh yếu, kém ngoài lề.

Ví dụ, tiết học “Language Focus”, phần bài tập nên phân ra cho từng đối tượng học sinh. Bài luyện tập khó thì yêu cầu những học sinh khá giỏi, bài tập vừa thì yêu cầu những em trung bình, bài tập dễ thì yêu cầu học sinh yếu kém.

Giáo viên cũng chú ý không tiếc lời khen ngợi học sinh, nhất là những học sinh yếu kém. Sự khích lệ khéo léo, kịp thời đối với những tiến bộ của các em dù là nhỏ cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc phụ đạo học sinh yếu (chiếm khoảng 20% cho sự thành công), từ đó tạo cho các em sự tự tin vào bản thân và hứng thú trong học tập.

Những lưu ý khi lấp hổng kiến thức

Bù lấp kiến thức cơ bản cho học sinh yếu kém là rất cần thiết để các em này kịp thời hòa nhập với lớp.

Hệ thống kiến thức phải đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp dựa trên chuẩn kiến thức, nói cách khác, cần giúp học sinh nắm được kiến thức cơ bản, trọng tâm của từng bài.

Mỗi bài học cần xây dựng một số câu hỏi then chốt nhằm khai thác những kiến thức trọng tâm của bài.

Giáo viên nên tăng cường sử dụng đồ dùng dạy học, ứng dụng CNTT, như sử dụng máy chiếu để đưa ra các dạng bài luyện tập, cách này cũng tiết kiệm tiền photo tài liệu cho học sinh…

Giáo viên cho học sinh làm thêm bài tập ngữ pháp để nắm vững cấu trúc câu; luyện học sinh các kỹ năng thông qua nhiều dạng bài tập, thường xuyên kiểm tra từ vựng.

Đồng thời, dạy học sinh cách học, trong đó có phương pháp tự học là yêu cầu bắt buộc luôn phải đặt ra trong mỗi giờ lên lớp. Dạy cách học từng phần, từng nội dung, từng bài; biết cách ghi nhớ, ghi nhớ có chọn lọc, nhớ để hiểu và hiểu giúp ghi nhớ dễ hơn, sâu hơn lâu hơn.

Học sinh phải biết cách xây dựng câu hỏi để tự trả lời và nhờ người khác trả lời, luôn đặt ra câu hỏi “tại sao?” để tự trả lời, trước một vấn đề mới, vấn đề nghiên cứu, trước một lời giải hay cách giải quyết của bản thân và người khác.

Giáo viên cũng lưu ý giúp học sinh nâng cao năng lực khái quát hóa, tổng hợp trong học và tự học, biết sử dụng phương pháp xây dựng “Cây kiến thức” để củng cố, hoàn thiện kiến thức kĩ năng.

Đồng thời, cho học sinh làm việc nhiều hơn, tăng cường bài tập vận dụng kiến thức, bài tập rèn luyện kiến thức, bài tập rèn luyện kĩ năng thích hợp cho các đối tượng.