Điểm nổi bật trong phương pháp cô Nga thực hiện là: Thay đổi phương pháp dạy đọc hiểu sao cho người học có thể đoán được nghĩa một số từ mới; đọc lướt để tìm thông tin mình cần, hoặc vẫn hiểu được ý nghĩa đoạn văn trong khi không biết hết nghĩa các từ mới.
Khi dạy kỹ năng đọc hiểu, thực hiện qua ba bước chính: Before you read (trước khi đọc), While you read (trong khi đọc), After you read (sau khi đọc). Mỗi phần đều có mục đích rõ ràng, phương pháp cụ thể được liên kết chặt chẽ với nhau nhằm mục đích hướng dẫn học sinh kỹ năng đọc có tập trung.
Điều này giúp người đọc hướng được sự chú ý vào đúng nội dung cần thiết, do vậy giúp học sinh nắm được vấn đề một cách chính xác hơn.
Tuy nhiên, cô Nguyễn Thị Nga lưu ý, trước khi thực hiện ba bước chính trong bài dạy đọc hiểu như đã nêu trên, giáo viên cần tạo cho học sinh một tâm lý thoải mái, nhẹ nhàng, hứng thú thông qua một số trò (games) đơn giản và phù hợp như: Brainstorming, word square, hangman, kim’s game, ... Đây là bước mà ta gọi là “khởi động” (warm up).
Những lưu ý với giai đoạn 1: Before you read
Cô Nguyễn Thị Nga cho biết, giai đoạn before you read được thực hiện trước khi học sinh bắt đầu đọc đoạn văn với các bước như sau:
Bước 1: Giáo viên giới thiệu tổng quát về đề tài sắp đọc, dùng các dữ kiện có liên quan đến kinh nghiệm sống của học sinh qua một số hoạt động như: Đặt câu hỏi gợi mở và giúp học sinh đoán trước được nội dung tổng quát của bài khóa.
Giáo viên đặt các câu hỏi gợi mở theo trình tự các diễn biến của sự kiện hay trình tự lý luận trong bài khóa.
Các câu hỏi này thể hiện cấu trúc cơ bản của bài đọc và là phương tiện để giúp học sinh đoán trước được nội dung của bài đọc, từ đó chuyển sang việc đọc bài văn một cách tự nhiên hơn thông qua một số dạng bài tập trước khi đọc. Giáo viên nêu yêu cầu, nhiệm vụ của bài đọc để học sinh dự đoán trước (prediction), tạo lý do cần thiết để đọc khi có chủ định. Phần này nhất thiết giáo viên phải yêu cầu học sinh phải gấp sách lại.
Bước 2: Giáo viên có thể đặt thêm các câu hỏi, gợi có ý liên quan đến chủ đề của bài đọc để giúp học sinh có thêm các thông tin hoặc hiểu sâu thêm chủ đề của bài đọc.
Giáo viên cũng có thể yêu cầu học sinh tham gia các hoạt động như động não, thảo luận, đố vui gắn với nội dung bài đọc.
Các câu trả lời của học sinh có thể không đúng với nội dung bài đọc, điều đó không quan trọng vì mục đích chính của hoạt động này là gây hứng thú, cung cấp thông tin, những hiểu biết và kinh nghiệm giúp học sinh hiểu được chủ đề của bài đọc, giúp học sinh có hứng thú với bài đọc, có tư duy về chủ đề đó và khiến cho các em có ý thức muốn đọc bài.
Bước 3: Tìm từ, cấu trúc khó, mới liên quan đến bài đọc. Đây là hoạt động không thể thiếu được trong một tiết đọc.
Phần này giúp học sinh sẽ đọc hiểu bài một cách dễ dàng hơn, giúp các em tập chung được vào vấn đề mình sẽ đọc gì.
Tuy nhiên, không cần thiết phải giới thiệu tất cả các từ mới trong bài đọc trước khi học sinh đọc bài. Học sinh có thể đoán nghĩa của từ vựng phụ thuộc vào văn cảnh. Giáo viên chỉ cần dạy những từ quan trọng trong bài liên quan trực tiếp đến nội dung của bài đọc.
Giai đoạn 2: While you read
Đây là giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình dạy kỹ năng đọc hiểu. Thông thường ở giai đoạn While you read, học sinh sẽ phải thực hiện một số dạng bài tập sau:
Dạng bài 1: Tìm nghĩa của một số từ, cụm từ trong đoạn văn hoặc tìm từ hoặc cụm từ trong bài có nghĩa gần với các từ, cụm từ cho sẵn.
Dạng bài này nhằm mục đích giúp học sinh hiểu nghĩa của các từ, cụm từ mới và khó xuất hiện trong bài, đồng thời cũng góp phần rèn luyện và phát triển kỹ năng đoán nghĩa của từ thông qua ngữ cảnh cụ thể.
Ở dạng bài tập này giáo viên yêu cầu học sinh làm việc theo cá nhân, cặp hoặc nhóm, đọc đoạn văn lần thứ nhất (tập trung vào việc tìm kiếm từ, cụm từ, thông tin cụ thể) và đoán nghĩa của từ/cụm từ trong ngữ cảnh theo yêu cầu của từng bài tập cụ thể.
Học sinh nên đọc lướt qua đoạn văn, xác định vị trí các từ, cụm từ mới đã cho sẵn sau đó đọc kỹ các câu có chứa các từ hoặc cụm từ đó, cũng nên đọc các câu trước và sau đó để dựa vào ngữ cảnh đoán nghĩa của các từ.
Với dạng bài tìm các từ, cụm từ trong bài có nghĩa giống như các từ, cụm từ cho sẵn, giáo viên nên yêu cầu học sinh làm việc theo nhóm, giải thích nghĩa các từ, cụm từ cho sẵn sau đó đọc kỹ đoạn văn để tìm ra từ, cụm từ đồng nghĩa với các từ, cụm từ đã cho sẵn.
Dạng bài 2: Hoàn thành đoạn tóm tắt, trả lời câu hỏi hoặc xác định các câu cho sẵn là đúng hay sai theo nội dung của bài hoặc lựa chọn đáp án đúng nhất.
Dạng bài này giúp người học hiểu sâu nội dung chính của bài học thông qua kỹ năng skimming (đọc lướt tìm ý chính của đoạn văn) và scanning (đọc kỹ từng từ và tìm ý).
Để phát huy được hiệu quả tối ưu của các dạng bài tập này, giáo viên yêu cầu học sinh đọc kỹ tất cả câu hỏi, gạch chân các từ quan trọng trong câu, đọc lại bài đọc tìm những câu có chứa các từ, cụm từ chính trong mỗi câu hỏi, đọc kỹ các câu đó và tìm ý trả lời cho mỗi câu hỏi.
Dạng bài 3: Xác định nội dung chính của đoạn văn Với dạng bài xác định nội dung chính của đoạn văn, giáo viên hướng dẫn học sinh đọc lướt lại toàn bộ đoạn văn một lần nữa, sau đó tập trung chủ yếu vào câu mở đầu hoặc câu kết thúc đoạn văn vì thông thường nội dung chính của bài đọc sẽ nằm ở câu đầu nếu bài văn được viết theo lối diễn dịch hoặc câu kết thúc nếu bài đọc được viết theo lối quy nạp.
Giai đoạn 3: After you read
Đây là giai đoạn cuối cùng của quá trình đọc hiểu, giai đoạn này nhằm mục đích tóm tắt lại bài đọc, củng cố lại kiến thức ngôn ngữ đã học và phát triển kỹ năng đọc hiểu, liên hệ thông qua việc yêu cầu học sinh liên hệ nội dung đã học với thực tế cuộc sống hoặc kinh nghiệm của bản thân.
Các dạng bài thường được sử dụng nhiều nhất trong giai đoạn này là:
Thứ nhất, tóm tắt nội dung bài đọc: Đặt một số câu hỏi gợi ý (When, Where, What, How, Who) yêu cầu học sinh trả lời. Sau đó, yêu cầu một học sinh từ ý của các câu trả lời đó tổng kết thành đoạn tóm tắt. Tuy nhiên, dạng bài này chỉ nên áp dụng với những lớp có nhiều học sinh khá, giỏi.
Thứ hai, sử dụng từ cho sẵn để hoàn thành đoạn tóm tắt, dạng bài này có thể áp dụng cho những lớp ở mức độ trung bình. Trước hết, phải yêu cầu tất cả học sinh đọc lướt lại đoạn văn để xác định nội dung chủ yếu của đoạn văn.
Sau đó, hướng dẫn người học đọc kỹ từ trước và sau mỗi ô trống xác định từ loại cần điền vào mỗi ô trống, sau đó làm các phương án loại trừ để tìm ra từ thích hợp cho mỗi ô trống.
Thứ ba, đóng kịch hỏi và trả lời các câu hỏi, giáo viên cho học sinh chuẩn bị hoặc gợi ý một số câu hỏi để học sinh sử dụng trong quá trình đóng vai nhằmphát triển kỹ năng nói, giao tiếp.
Thứ tư, thiết kế các trò chơi, tất cả các câu hỏi nên tập trung vào chủ đề chính của đoạn văn. Dạng bài này vừa tăng hứng thú học tập vừa giúp học sinh hiểu sâu hơn nội dung bài đọc. Giáo viên nên thiết kế các câu hỏi ở mức độ trung bình và có nội dung tập trung vào việc khai thác sâu hơn nội dung bài đọc hiểu.
Thứ năm, giáo viên hỏi thêm các câu hỏi sâu hơn liên quan đến nội dung bài đọc (What do you think?...) Các câu hỏi này thường nhằm mục đích hướng học sinh liên hệ với thực tiễn, hoặc kinh nghiệm bản thân, hoặc tạo cơ hội cho học sinh trình bày quan điểm của mình về vấn đề liên quan đến nội dung bài đọc.