Bí quyết của làng nấu xôi xây nhà lầu

Nhắc đến phường Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội) mọi người đều nhớ đến vùng chuyên trồng đào, quất. Bên cạnh đó còn có bí quyết nấu xôi gia truyền, xôi Kẻ Gạ

Bí quyết của làng nấu xôi xây nhà lầu

Phú Thượng có một đặc sản không thể bỏ qua đã được nhắc đến trong câu ca dao xưa: “Làng Gạ có gốc cây đề, có sông tắm mát có nghề bán xôi”.

Mà nếu đã một lần thưởng thức món xôi làng Gạ, hẳn khó ai quên được hương vị món xôi nức tiếng nơi đây. Cùng bí quyết nấu xôi gia truyền, xôi Kẻ Gạ bao năm qua vẫn giữ được vị ngon đặc biệt, dậy mùi nếp thơm.

Xôi Kẻ Gạ quen thuộc nhất là xôi vừng dừa, xôi đỗ và xôi gấc. Theo bà Hồng, người làm nghề lâu năm ở làng thì xôi ngon một phần bởi nguyên liệu làm xôi, là gạo nếp cái hoa vàng, nếp nhung loại ngon nhất. 

Đỗ xanh mua loại đã xát vỏ, hạt tròn đều mà vẫn còn phấn. Lạc phải là loại hạt nhỏ. Ngô thì chỉ chọn loại hạt nhỏ, đều và dẻo. Các phụ liệu khác như vừng, ruốc, hành phi, mỡ... cũng được những người nấu xôi lựa chọn rất kỹ càng. Người làm phải dậy từ tờ mờ sáng, lấy gạo nếp ngâm trước.

Gạo được xóc nhiều lần và vo lại thật sạch, rồi để ráo nước. Nấu xôi đỗ phải chọn loại đã bóc vỏ, hạt đều, mẩy, sau đó đem ngâm đủ thời gian và trộn với gạo đã ráo nước. 

Đỗ và gạo nếp phải trộn với nhau thật đều, xóc đi xóc lại nhiều lần cho gạo và đỗ đều nhau, có như vậy xôi nấu lên mới ngon, tơi và không bị nát. Xôi vừng dừa cũng vậy, phải cho vào cùng nhau và trộn đều trước khi cho vào xoong hấp.

Trước khi cho gạo vào xoong phải kiểm tra nước và giá đỡ bên trong cẩn thận. Nước phải thật sạch và cho vừa đủ, giá đỡ được rửa kỹ càng. 

Nấu xôi gấc thì phải ngâm gạo lâu hơn, khoảng 3 tiếng rưỡi. Bột gấc bóp nhuyễn với rượu trắng trộn đều vào gạo, nêm muối, đường vừa phải. 

Xôi có ngon hay không là ở giai đoạn nấu trên bếp. Lúc nào cũng phải giữ lửa cho thật đều, nếu to quá sẽ bị cháy, non lửa xôi lại không dẻo và chín không đều.

Xôi trong làng Gạ đã len lỏi đến các hang cùng ngõ hẻm, quanh khắp Hà thành. Có lúc đói, chạy qua gánh rong cạnh chợ Hàng Bè, chợ Hàng Da cũng được ăn món xôi vừng dừa, có khi ngồi ăn cưới ở khách sạn 5 sao như Sofitel cũng xuất hiện món xôi của làng.

Dù được bọc trong lá chuối, lá dong hay đặt trên một chiếc đĩa sang trọng thì cái vị bùi bùi của hành phi, ngầy ngậy của dừa nạo, độ dẻo của nếp vẫn không thể lẫn lộn. 

Phú Thượng hiện nay có quá nửa hộ làm xôi, có hộ chỉ bán dạo loanh quanh, có hộ thì nhận đặt tiệc cưới, hiếu, hỷ… thị trường đa dạng nên người làm nghề hầu như ai cũng có chút của ăn của để.

Cũng nhờ món ăn truyền thống này mà những hộ làm nghề tại Phú Thượng hiện nay đều có mức thu nhập ổn định, khoảng 600 ngàn đồng/ngày, có hộ thu nhập tới 1 triệu đồng/ngày, người dân giàu lên trông thấy. Những ngôi nhà mái ngói dần thay thế bằng nhà tầng khang trang.

Theo tienphong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ