Bị phạt vì trả tiền trước hạn?

Bị phạt vì trả tiền trước hạn?

(GD&TĐ) - Người vay tiền ngân hàng không trả nợ đúng hạn gọi là nợ xấu, trường hợp này khách hàng sẽ bị phạt 150% lãi. Đó là thỏa thuận được khách hàng chấp nhận. Biện pháp này là để khách hàng khi vay vốn cần cân đối thu nhập mà “liệu cơm gắp mắm”. Nhưng, trường hợp khách hàng bị phạt vì trả nhiều tiền vốn hơn ở một vài ngân hàng là chuyện khó có thể chấp nhận, đã gây nhiều bức xúc.  

Tôi có người quen, cách đây 2 năm vay 350 triệu đồng tại ngân hàng B. Sau khi cân đối thu nhập, chị đề nghị ngân hàng này làm hợp đồng thời hạn 3 năm. Nhân viên ngân hàng viết vào hợp đồng thời hạn 4 năm và giải thích điều này không có hại gì cho chị, lại an toàn, nếu chị kẹt tiền cũng không bị phạt lãi. Chị này cẩn thận hỏi kỹ về việc nếu có tiền trả trước thời hạn được không, nhân viên ngân hàng phân tích chỉ trừ khi chị trả trên 50% tổng tiền vay sẽ bị phạt, nhưng không đáng kể. Vậy là người quen của tôi ký vào hợp đồng với quy định mỗi tháng trả 5.800.000 đồng tiền gốc cộng thêm lãi. Vốn cẩn thận, hàng tháng tích cóp được chừng nào chị gắng trả bớt để rút ngắn thời gian nợ, còn tính việc khác. Vậy là mỗi tháng chị bớt ăn, bớt tiêu trả thành 10 triệu đồng tiền gốc cộng thêm lãi. Khoảng một năm sau, mỗi lần chị định trả tiền, nhân viên ngân hàng yêu cầu chị nộp phạt 100 ngàn đồng vì trả tiền vượt mức quy định. Chị này tìm người tư vấn để hỏi thì được trả lời do quy định của ngân hàng đã thay đổi.

Ảnh MH (Nguồn Internet)
Ảnh MH (Nguồn Internet)

Người quen của tôi đem chuyện bị phạt do trả tiền trước hạn kể lại, không ít người có thắc mắc giống nhau. Họ cho đó là vô lý. Tất nhiên, ngân hàng sẽ đưa được những lý lẽ của họ để trả lời, nhưng khi nhắc lại hợp đồng thì họ lại im lặng và cho đến nay người quen của tôi cũng chưa hề nhận được một bản hợp đồng nào để sửa đổi những thỏa thuận giữa hai bên. Hơn nữa, khi giao dịch với ngân hàng, nhiều ngân hàng đã thu phí tư vấn, sau đó lại không có trách nhiệm với những gì mình đã tư vấn, biến khách hàng thành “cá nằm trên thớt”. 

Điều đáng nói là những quy định như trên không phải được áp dụng đồng loạt cả hệ thống các ngân hàng. Ví dụ ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, bản thân tôi vay vốn ở ngân hàng này hơn 10 năm, nhưng nhận tiền rồi, nếu có điều kiện tôi trả trước thời hạn bao nhiêu cũng không bị phạt hay một sự than phiền nào từ phía ngân hàng này. Cũng chừng ấy năm, tôi chưa bao giờ phải đóng phí tư vấn như ngân hàng B. mà chị bạn tôi đang giao dịch. 

Việc khách hàng cân đối tiền bạc để đăng ký trả nợ là việc làm rất quan trọng, song, không phải công việc của ai cũng bình lặng, nếu có người gặp rủi ro thì cũng có người gặp may mắn, hoặc như người quen mà tôi kể trên, họ có quyền cân đối chi tiêu để rút ngắn thời gian nợ là điều đáng quý chứ không phải đáng để phạt. Nhiều ngân hàng lý giải, khi cho vay, họ phải cân đối vốn và đã có kế hoạch, việc trả lại sẽ làm ảnh hưởng quy trình của họ... Song, ai cũng hiểu đó không phải là lý do chính đáng, mà hầu hết khách hàng đều cảm thấy mình bị “ép”. Nếu khách hàng rút ngắn thời gian trả nợ, họ sẽ làm được việc khác, họ lại cần vốn và điều đó sẽ thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Tại sao các Ngân hàng lại không tính đến điều này?  

Đã đến lúc cơ quan chủ quản phải có sự giám sát chặt chẽ hơn về tín dụng nhằm đảm bảo quyền lợi vay vốn của người dân.

Hải Việt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.