Chị Phương kể, ba tuổi Khánh mới biết nói, gầy gò, hay ốm vặt, nên khi cậu con nhất định không ăn bất kỳ món gì liên quan đến rau, chị rất đau đầu vì sợ con thiếu chất.
Nhiều lần “đấu tranh” thất bại, chị cố gắng tìm biện pháp hiệu quả hơn. Món nem cua bể với nấm mèo, hành tây, cà rốt băm nhỏ, trộn miến, trứng, cua, thịt, được hy vọng “đánh” vào sở thích ăn thịt mà làm lạc hướng cu cậu khỏi các loại rau củ đi kèm.
Chị thành công. Món nem cua bể chỉ làm những lúc nhà đông khách trở thành món ăn thường xuyên được mẹ Phương làm trong những ngày không quá bận bịu.
Theo chị, khi bận thì không thể làm nem cua bể vì tất cả nguyên liệu đều cần được chọn kỹ lưỡng, tươi, sống, chế biến khá tỉ mỉ. Cà rốt xắt sợi, nấm mèo, hành tây, thịt băm nhỏ, cua trộn chung với một ít gia vị gồm muối tiêu (cho thật nhiều tiêu) và dầu ăn. Dùng hỗn hợp ấy, kèm với trứng, giá, gói lại bằng bánh tráng, rồi chiên lên.
Chị chia sẻ, để nem giòn, nên chọn loại bánh tráng ít chứa bột năng, và chỉ chiên sơ khi chế biến, rồi chiên lại lần nữa trước khi dùng. Với cà rốt, chị Phương cũng dùng một lượng vừa phải cho đẹp màu, đủ chất, không bị chát.
Vì không dùng bột ngọt, chị cho thêm củ sắn để có vị ngọt thanh, học theo cách tạo vị ngọt của các chủ hàng hủ tiếu ở Sài Gòn. Với tất cả những thêm bớt ấy, món nem cua bể trở thành “thương hiệu” riêng của chị Phương.
Gia Khánh (trái) cùng chị họ thưởng thức món ngon mẹ làm
Chị nhớ, cái Tết đầu tiên về nhà chồng, tối 30 Hà Nội rét căm căm, trước khi cả nhà đi ngủ, mẹ chồng còn cẩn thận dặn chị “sáng mai dậy sớm làm nem cua cùng hai mâm cơm cho mẹ cúng tổ tiên”.
Có năm, để vợ đỡ cập rập, chồng chị đưa ý kiến thay món nem cầu kỳ bằng gỏi cuốn thì mẹ chồng phản đối. Bà nói, “mâm cúng ông bà phải có món nem cua bể”. Đến bây giờ, khi bà mất, ngày giỗ, chị luôn được chị chồng nhường cho căn bếp, để tự tay làm món nem cua bể.
Những gắn bó sâu xa từ thuở thơ ấu ở Hà Nội, cộng với kỷ niệm sau này với các con khiến món nem trở thành một trong những đầu mối giữa người phụ nữ trong chị với gia đình, nguồn cội. Từng được thưởng thức món nem cua, người thân quen hay nhờ chị làm giúp, rồi… năn nỉ chị làm bán.
Vì nem cua bể phải chiên hai lửa mới ngon nên rất thuận lợi để gửi, mang đi xa. Nem cua bể của chị giờ đã trở thành món ngon “thần thánh” đối với Gia Beo (tên thường gọi của Gia Khánh). Mỗi khi bị mẹ “dọa” sẽ không thể tự nuôi sống bản thân nếu không chăm học, mắt cu cậu sáng trưng: “Vậy con sẽ đi bán nem cua!”,