Bi kịch nô lệ trên biển

Thái Lan thiếu khoảng 50.000 người làm việc trên tàu cá mỗi năm và con số này chủ yếu được bù đắp bởi người di cư

Một tàu cá Thái Lan sử dụng lao động là trẻ em Campuchia Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Một tàu cá Thái Lan sử dụng lao động là trẻ em Campuchia Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Năm 2014, Thai Union Frozen Products (TUFP), công ty thủy sản lớn nhất Thái Lan, xuất khẩu sang Mỹ hơn 12.700 tấn thức ăn dành cho thú cưng. 

Để có được số hàng khổng lồ này, máu, mồ hôi và nước mắt của không ít “nô lệ đánh cá” Thái Lan đã phải đổ ngoài biển khơi vì một giấc mơ: Đổi đời!

Làm việc 18-20 giờ/ngày

Mỹ hiện là khách hàng lớn nhất của Thái Lan về mảng thức ăn cá hộp dành cho thú cưng. Đây cũng là một trong các mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng nhanh nhất tại “đất nước chùa vàng” với sản lượng gấp đôi kể từ năm 2009. 

Riêng năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu cá hộp dành cho vật nuôi từ Thái Lan sang Mỹ đạt 190 triệu USD. Một con mèo tại Mỹ trung bình ăn hết 13,6 kg cá/năm, cao gấp đôi một người dân nước này.

Bất chấp người tiêu dùng Mỹ và phương Tây tăng áp lực đối với sự minh bạch của chuỗi cung ứng nhằm bảo đảm không xảy ra nạn đánh bắt cá trái phép hoặc tình trạng cá bị nhiễm bẩn, làm giả, hầu như không có sự quan tâm nào được dành cho người lao động trên các tàu cá.

Lang Long - “Nô lệ đánh cá” người Campuchia - kể với báo The New York Times rằng bi kịch ập đến khi anh trót dại nghe lời một tay buôn người sang Thái Lan để làm việc tại một công trường xây dựng. Ở quê nhà, những đứa em của Long ngày ngày thiếu ăn nên anh phải liều mạng kiếm tiền, bất chấp bên ngoài cạm bẫy rình rập.

Đong đưa trên xe tải suốt nhiều ngày, Long tới được cảng Samut Prakan - cách thủ đô Bangkok hơn 19 km về phía Đông Nam - rồi bị giam lỏng trong một căn phòng có những người đàn ông vũ trang canh giữ. Hôm sau, anh cùng 6 người di cư khác bị lùa lên một con tàu gỗ xập xệ và bị đẩy ra biển.

Đó là khởi đầu của 3 năm đầy ám ảnh mà người đàn ông 30 tuổi này đã trải qua. “Tôi đã khóc” - Long cho biết. Không dưới 2 lần anh bị chủ tàu đem bán. Sau những nỗ lực bỏ trốn bất thành, anh bị chủ tàu xích cổ mỗi khi có tàu cá nào đó đến gần.

Con thuyền của Long chủ yếu đánh bắt ngoài khơi bờ biển Thái Lan và chuyển cá về Công ty Songkla Canning Public (chi nhánh của TUFP) chế biến và đóng hộp, sau đó xuất sang Mỹ. 

Vắt kiệt sức lực cả ngày lẫn đêm, Long và những người bạn đồng hành vẫn bị đối xử tàn tệ. Những chuyện như “nô lệ” ốm đau bị quăng xuống biển, làm không tốt bị dọa chặt đầu hoặc trừng phạt bằng cách nhốt dưới hầm cá hôi thối... luôn khiến anh rùng mình mỗi khi nghĩ tới. Họ phải làm việc quần quật 18-20 giờ/ngày và chỉ được ăn một bữa cơm.

Mờ mịt tương lai trên “tàu ma”

Với giá nhiên liệu tăng cao và cá gần bờ bị đánh bắt gần cạn kiệt, Long và bạn thuyền phải ra khơi để tìm nguồn cá, đồng nghĩa với việc họ bị chủ tàu ngược đãi nhiều hơn.

Bà Sasinan Allmand - Người đứng đầu bộ phận truyền thông của TUFP - khẳng định công ty của bà thường xuyên kiểm tra để chống lại nạn buôn người và hành vi vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, khi được phóng viên The New York Times hỏi về trường hợp của Lang Long, bà lặng thinh.

Theo một cuộc khảo sát của Liên Hiệp Quốc đối với 50 người đàn ông và thiếu niên Campuchia bị bán cho chủ tàu Thái Lan, chỉ cần một lỗi nhỏ như khâu lưới rách chậm hay bỏ nhầm cá thu vào xô cá trích, các “nô lệ” sẽ lãnh đủ. Chủ tàu thậm chí còn giết chết “nô lệ” ngay trước mặt những người khác để răn đe.

Hầu hết thuyền viên đều không có giấy tờ tùy thân, không biết bơi và lênh đênh trên những con “tàu ma” mà ngay cả chính phủ Thái Lan cũng không biết về sự tồn tại của chúng. 

Vậy nên, họ đóng chặt cuộc đời với cá và biển, may mắn thì được các tổ chức nhân đạo giải cứu, trong khi chính phủ các nước hiếm khi can thiệp.

Long là một trong số ít trường hợp được một tổ chức cứu trợ giải cứu. Kém may mắn hơn, nhiều người khác đành phải chịu cảnh “nô lệ” trong các trại lao động nổi. Liên Hiệp Quốc ước tính Thái Lan thiếu khoảng 50.000 người làm việc trên tàu cá mỗi năm và con số này chủ yếu được bù đắp bởi người di cư, hầu hết đến từ Campuchia và Myanmar.

Theo nld.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.