Lực lượng chống khủng bố Indonesia trong đợt truy quét nghi phạm khủng bố tại Poso, Trung Sulawesi hôm 20/8. Ảnh: Tempo |
Theo Reuters, Santoso, kẻ cầm đầu nhóm phiến quân, và là người Indonesia đầu tiên công khai tuyên bố trung thành với nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đã lẩn trốn các cuộc truy quét suốt nhiều năm qua. Tên này được cho thời hạn tới ngày 9/1 để ra đầu thú với chính phủ.
Tuy nhiên, trong khi các đơn vị quân đội lùng sục khu rừng phía nam đường xích đạo, những hồi chuông báo động đang vang lên ngay tại thủ đô Jakarta.
Các cuộc bố ráp của lực lượng an ninh khắp đảo Java tuần trước đã bắt được một số phần tử ủng hộ IS, đồng thời phá vỡ âm mưu thực hiện một loạt vụ tấn công. Cảnh sát cho biết những người bị bắt chỉ là những phần tử thừa hành cấp thấp, trong khi những kẻ cầm đầu đã cao chạy xa bay. Chính những tên này từng lên kế hoạch tấn công lãnh đạo chính phủ, các quan chức và tòa nhà cơ quan công quyền.
"Nhà nước Hồi giáo phương xa"
Sidney Jones, một chuyên gia về phiến quân Hồi giáo tại Viện Phân tích Chính sách Xung đột ở Jakarta, cho biết nguy cơ xảy ra một vụ tấn công của IS tại Indonesia tương tự như vụ thảm sát tại Paris là rất nhỏ. Dù vậy, mối đe dọa vẫn đang lớn dần lên.
"Trong khi cảnh sát và quân đội tập trung vào phần tử khủng bố bị truy nã gắt gao nhất Indonesia, tại vùng đồi núi Trung Sulawesi, IS đã thành công trong việc tạo dựng một mạng lưới những kẻ ủng hộ tại ngoại ô Jakarta", bà Jones viết trong một bình luận hồi tháng trước.
Santoso trong một đoạn video được đăng tải trên mạng. Ảnh: Straits Times |
Bà cho rằng những phiến quân ngay trên đất Indonesia những năm qua chủ yếu tấn công vào cảnh sát, nhưng giờ họ có thể chuyển trọng tâm sang tấn công người phương Tây và dân thường địa phương.
Bộ trưởng Tư pháp Australia George Brandis, người có chuyến công du Jakarta tuần này để tăng cường hợp tác an ninh, tiết lộ với báo giới Australia rằng, ông "không chút nghi ngờ" việc IS đang tìm cách hình thành một "Nhà nước Hồi giáo phương xa" tại Indonesia.
Indonesia là điểm thu hút nhiều du khách Australia thứ hai trong giai đoạn 2014 - 2015, số liệu chính thức cho biết. Tổng cộng đã có 1,12 triệu lượt khách tới đây, chủ yếu tập trung về các khu nghỉ dưỡng trên đảo Bali.
Vụ đánh bom hai hộp đêm tại Bali khiến 202 người, gồm hầu hết là du khách, thiệt mạng là một trong số nhiều vụ tấn công Indonesia hứng chịu trong những năm 2000. Kể từ đó đến nay, cảnh sát đã đạt được thành công lớn trong việc lật tẩy và phá vỡ các cơ sở của phiến quân, nhưng họ đang lo ngại ảnh hưởng của IS có thể khiến những vụ bạo lực do các phần tử jihad tiến hành quay trở lại.
Các quan chức tin rằng có hơn 1000 người ủng hộ IS tại Indonesia. Ước tính có từ 100 - 300 người đã trở về từ Syria, mặc dù con số này bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.
Chính phủ Indonesia e ngại rằng, Santoso - kẻ từng điều hành các trại huấn luyện từ những ngọn đồi rậm rạp tại thị trấn Poso - có thể trở thành một kẻ thu hút những chiến binh trở lại Indonesia.
Chuyên gia Jones cho biết, Santoso đã gây dựng được tiếng tăm quốc tế trong hàng ngũ IS, với đầu mối liên lạc nằm trong những nhóm chiến binh tại Syria.
"Đây là một trong những ưu tiên của chúng tôi, bởi có nhiều mạng lưới trong các vùng khác liên quan đến Santoso", phát ngôn viên cảnh sát quốc gia Agus Rianto nói. Ông Rianto cho biết thêm rằng cơ quan chức năng có thể vây bắt tên này do họ biết được khu vực Santoso ẩn náu.
Idham Azis, cảnh sát trưởng tỉnh Trung Sulawesi chia sẻ rằng, Santoso, kẻ từng là người bán đồ làm bếp trước khi trở thành phiến quân jihad, có người ủng hộ ở khắp Indonesia, nhưng tập trung nhiều nhất tại vùng Poso.
"Người Hồi giáo nên được bảo vệ theo mọi cách có thể, cho dù phải dùng vũ lực", Adnan Arsal, lãnh đạo một trường Hồi giáo tuyên bố tại bìa khu rừng Santoso được tin là từng lẩn trốn.
Hành trình cực đoan hóa
Hành trình trở thành phiến quân của Santoso xuất phát từ những xung đột tôn giáo khắp Indonesia, sau khi cố tổng thống Suharto rời ghế năm 1998. Poso, một khu vực có nhà thờ Thiên Chúa đan xen với những ngôi đền Hindu, là nơi chứng kiến những vụ tấn công đẫm máu nhất.
Một người bạn của Santoso có tên Mohammad Guntur tiết lộ, Santoso đã chứng kiến cha mẹ và họ hàng bị sát hại trong các cuộc xung đột ở địa phương. "Một trong những anh em họ của ông ta bị đối xử như thú vật", Mohammad Guntur nói.
Trong những năm sau đó, Santoso đã liên hệ với các mạng lưới phiến quân, tiến hành nhiều vụ tấn công, trong đó có loạt vụ đánh bom Bali năm 2002.
Vợ của Santoso là Suwarni cho biết anh ta bỏ đi từ ba năm trước. "Điều cuối cùng tôi còn nhớ là anh ấy nói sẽ chăm sóc lũ trẻ, đưa chúng đến trường, đảm bảo rằng chúng cầu nguyện và đọc kinh Koran cùng chúng", Suwarni, 34 tuổi, đang nuôi ba đứa con, kể.
Với quyết tâm bắt giữ Santoso, Tổng thống Joko Widodo hồi tháng ba phê chuẩn chiến dịch chống khủng bố lớn đầu tiên sau vụ đánh bom hai khách sạn tại Jakarta năm 2009. Một cuộc truy quét của binh sĩ, cùng tàu chiến và chiến đấu cơ đã khiến lực lượng của Santoso suy yếu, nhưng cuối cùng tên này vẫn trốn thoát và được tin là vẫn còn 30 - 40 tay chân dưới trướng. Tên này tự cho mình là chỉ huy đội quân IS tại Indonesia.
Dù vậy, các chuyên gia an ninh tin rằng mối đe dọa lớn nhất đến từ sự ủng hộ ngày một lớn cho IS, không chỉ tại vùng rừng núi Sulawesi.
"Suy nghĩ rằng Indonesia có thể bị chiếm đóng bởi IS là nực cười", giáo sư chiến lược học Hugh White, đến từ Đại học Quốc gia Australia, nói. "Nhưng khả năng IS có thể thực hiện các chiến dịch khủng bố tại Indonesia nhằm gây bất ổn là hoàn toàn có cơ sở".