Bi hài chuyện đội mũ bảo hiểm ở nông thôn

Bi hài chuyện đội mũ bảo hiểm ở nông thôn

(GD&TĐ) - Một thực tế hiện nay là, tại không ít các thôn, xóm, làng xã, vấn đề đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy dường như vẫn còn khá xa lạ với người dân. Và…Câu chuyện “ Ngồi lên xe máy phải đội mũ bảo hiểm” vẫn còn nhiều điều đáng bàn ở các vùng quê.

Anh Nguyễn Văn T  ở xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và những người thân của anh cho đến nay vẫn chưa hết bàng hoàng về cái ngày anh xảy ra tai nạn giao thông. Giờ đây, anh vô cùng hối hận mỗi khi nhắc đến chuyện này. Chỉ một chút chủ quan không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy trên các tuyến đường giao thông nông thôn đã khiến anh suýt mất mạng.

Nằm bất tỉnh hơn 1 ngày tại bệnh viện Việt Đức, sau khi tỉnh dạy, anh không tin nổi là mình còn sống; chỉ có điều hiện nay, hàm răng của anh đã không còn liền lợi vì tai nạn giao thông. Giờ đây, mỗi khi ngồi bên mâm cơm, anh lại càng thấm thía về chuyện đội mũ bảo hiểm quan trọng như thế nào!?. Dù sao anh vẫn là người may mắn vì vẫn giữ được tính mạng của bản thân. Anh kể lại: “Mình cùng nhóm bạn rủ nhau đi chơi. Khi về đến xã nhà, cả nhóm bảo nhau bỏ mũ bảo hiểm ra cho mát, vì cho rằng, đây là “ địa phận an toàn rồi” không sợ công an bắt. Lúc rẽ vào ngõ, vì tránh chiếc công nông đi ngược chiều, mình đâm phải cột mốc bên đường, ngã văng ra khỏi xe, mặt cắm xuống đường, sau đó hoàn toàn bất tỉnh không biết gì nữa.”

Tình trạng không đỗi mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy ở các tuyến đường liên thôn, liên xã xảy ra khá phổ biến ở các vùng nông thôn (Ảnh: gdtd.vn)
Tình trạng không đỗi mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy trên các tuyến đường liên thôn, liên xã diễn ra khá phổ biến ở các vùng nông thôn (Ảnh: gdtd.vn)

Một câu chuyện đau lòng khác xảy ra ở huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Đó là trường hợp của gia đình anh Nguyễn Văn P. Chỉ vì chủ quan không đội mũ bảo hiểm mà vợ anh đã vĩnh viễn ra đi để lại cho anh hai đứa con thơ.

Anh vô cùng ân hận, day dứt khôn nguôi và luôn tự trách: mình chính là người gây ra cái chết thương tâm của vợ. Anh cho biết cái ngày đau đớn và định mệnh đó cũng chỉ vì không nghe lời vợ, đi xe máy không đội mũ bảo hiểm nên mới ra cơ sự này.

Giọng anh nghẹn đi, một lát sau anh kể tiếp: “Hôm đó đứa bạn tôi ở Thành phố Hưng Yên cưới con, là bạn thân nên hai vợ chồng tôi đi cho thêm phần thân mật. Trước khi đi vợ tôi có mang ra 2 chiếc mũ bảo hiểm để mỗi vợ chồng một chiếc. Nhưng tôi đã yêu cầu vợ tôi cất đi vì cho rằng mình lên ngay đầu thành phố, toàn đường nông thôn không có công an nên đội mũ làm gì cho vướng. Hơn nữa mình đã quê rồi đội mũ vào càng quê hơn. Cằn nhằn một lúc rồi vợ tôi cũng nghe theo tôi và cất mũ vào nhà. Thật đau đớn, xe chưa ra khỏi làng thì vợ chồng tôi gặp tai nạn do va chạm với một xe khác. Vợ tôi ngồi sau nên bị ngã và đầu đập mạnh xuống đường. Khi ngã cô ấy vẫn còn tỉnh và còn hỏi tôi “anh có sao không”, vậy mà ngờ đâu chưa đầy hai ngày sau tai nạn cô ấy đã vĩnh viễn ra đi. Bác sỹ nói vợ tôi bị chảy máu não. Nhiều người nói nếu vợ tôi đội mũ bảo hiểm chắc chắn sẽ không sao. Điều này khiến tôi càng thêm đau đớn và ân hận vô cùng. Giá mà tôi nghe lời vợ tôi, giá mà tôi cẩn thận đội mũ bảo hiểm thì mọi chuyện đã khác. Thế nhưng mọi chuyện giờ đã muộn….".

Trên đây chỉ là hai trong vô vàn những câu chuyện dở khóc, dở cười khác có liên quan đến việc đội mũ bảo hiểm. Song điều đáng nói ở đây là, tình trạng đội mũ bảo hiểm theo kiểu đối phó với các lực lượng chức năng vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Nhiều người cho rằng: Đi đoạn đường gần, ngay trong làng, trong xã, đội mũ bảo hiểm rất mất thời gian và thêm phần vướng víu. Mỗi lần ngồi lên xe cứ phải đội lên rồi lại tháo ra cũng mệt. Chính tâm lý chủ quan và thiếu ý thức tự giác như vậy nên vô hình chung đã mang đến những hậu quả khôn lường.

Thực tế đã cho thấy, số người không đội mũ bảo hiểm ở nông thôn là rất lớn. Đặc biệt là ở những đường liên thôn, liên xã và những nơi lực lượng công an không thường xuyên tuần tra kiểm soát được. Nguyên chính ở đây vẫn là nhận thức của người dân chưa cao, vẫn còn tâm lý đối phó.

Ngoài ra, do lực lượng công an xã mỏng, trong khi đó địa bàn lại rộng và còn phải đảm bảo nhiều lĩnh vực an ninh trật tự khác, nên công tác kiểm soát sẽ không được thường xuyên và liên tục. Hơn nữa, tâm lý cả nể vẫn còn, nên hiệu quả xử lý chưa cao.

Có thể thấy, rõ ràng việc không chấp hành đội mũ bảo hiểm ở nông thôn đang phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức, tâm lý của người tham gia giao thông, và mức độ xử lý của cơ quan thi hành pháp luật về an toàn giao thông. Đây là một thực trạng cần được nghiêm túc xem xét và giải quyết. Song điều quan trọng là các giải pháp đưa ra phải sáng tạo hơn, thiết thực hơn, mạnh mẽ hơn, và phù hợp với từng đối tượng, tránh trường hợp hô hào khẩu hiệu rồi lại “ Đánh trống bỏ rùi”. Có như vậy thì mới có thể giải quyết được những vấn đề nêu trên và vấn đề đội mũ bảo hiểm sẽ không còn là nỗi lo lớn hàng ngày.

Đức Trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ