Mất gần 2 tháng xác minh người gọi 1.400 cuộc
Sau nhiều ngày bị chọc phá, lực lượng chức năng mới tìm được chủ số điện thoại trên là N.T.T.L (14 tuổi, ngụ xã Loan Mỹ, H.Tam Bình, Vĩnh Long). Tại cơ quan công an, L. thừa nhận việc quấy phá trên. Lực lượng 113 lập biên bản giáo dục và cho L. viết cam kết không tái phạm (vì tại thời điểm vi phạm L. chưa đủ 14 tuổi).
Ngày 16.4, trả lời Thanh Niên về việc chậm xử lý, trung tá Lê Phước Tài, Phó trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64), Công an tỉnh Vĩnh Long, cho biết sau 2 tháng mới đưa L. ra giáo dục, bởi vì L. sử dụng sim rác, không có đăng ký nên khó xác minh.
113 TP.HCM chưa xử lý được trường hợp nào
Có mặt tại Trung tâm thông tin chỉ huy 114 (Cảnh sát PCCC TP.HCM) vào chiều 14.4, chỉ trong một giờ, Thanh Niên ghi nhận có rất nhiều cuộc gọi đến chọc phá, nhá máy, trêu đùa tại đây.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tham mưu - Cảnh sát PCCC TP.HCM, cho biết: “Hằng ngày có 500 - 600 cuộc gọi đến, nhưng 2/3 trong số đó là nhá máy, chọc phá, chửi bới. Nhiều lần, cán bộ tại trung tâm đã lần ra số điện thoại, địa chỉ nhà người chọc phá nhưng chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở”.
Theo Phòng Cảnh sát phản ứng nhanh 113, Công an TP.HCM, mỗi ngày đơn vị này tiếp nhận rất nhiều cuộc gọi đến chọc phá, báo tin giả, chửi thề… gây khó khăn cho việc xử lý thông tin. Tuy nhiên đến nay, đơn vị này chưa xử lý được trường hợp nào, vì phần lớn đều dùng sim rác nên rất khó điều tra.