Bí ẩn về ấu trùng ruồi trong di cốt công chúa Ý

Một ấu trùng ruồi được phát hiện lẫn trong di cốt của một công chúa Italia thời phục hưng, người thường được cho là nguyên mẫu đời thực của nàng Mona Lisa trong tranh danh họa Leonardo Da Vinci, đã dấy lên những câu hỏi về nguồn gốc bí ẩn của con côn trùng này.

Ảnh trái là tượng bán thân mô phỏng công chúa Isabella tại bảo tàng Kunsthistorisches ở Vienna, Áo. Ảnh phải là một con ruồi lính đen trưởng thành và ấu trùng của nó.
Ảnh trái là tượng bán thân mô phỏng công chúa Isabella tại bảo tàng Kunsthistorisches ở Vienna, Áo. Ảnh phải là một con ruồi lính đen trưởng thành và ấu trùng của nó.

Ấu trùng được phát hiện thuộc loài ruồi lính đen, có danh pháp khoa học là Hermetia illucens. Loài ruồi này sinh trưởng nhờ vật liệu hữu cơ thối rữa. Lâu nay, đông đảo giới nghiên cứu vẫn cho rằng, Hermetia illucens có nguồn gốc tự nhiên ở châu Mỹ và lần đầu tiên xuất hiện ở châu Âu vào đầu những năm 1990.

"Chúng tôi hiện có thể chứng minh, loài côn trùng này đã có mặt ở châu Âu nhiều thế kỷ trước đó. Trong thực tế, chúng tôi đã tìm thấy một ấu trùng ruồi lính đen trong quan tài bằng đá của công chúa Isabella, xứ Aragon (Italia), người đã qua đời vào năm 1524", Gino Fornaciari, giáo sư môn lịch sử y học, kiêm chuyên gia cổ sinh vật bệnh học và khảo cổ mai táng tại Đại học Pisa (Italia), cho biết.

Công chúa Isabella vốn là con gái vua xứ Naples Alfonso II. Bà kết hôn với người anh họ đầu tiên của mình, Công tước Milan Gian Galeazzo Sforza vào năm 1489. 

Nhân dịp này, danh họa Leonardo Da Vinci, lúc này đang đảm nhiệm vị trí họa sĩ của triều đình ở Milan từ năm 1482, đã dàn xếp một bữa tiệc sa hoa, tráng lệ với các vở kịch, người máy và vòi phun nước. Một số sử gia hội họa hiện cho rằng, chính công chúa Isabella chứ không phải quý bà Lisa Gherardini Del Giocondo là nguyên mẫu cho nàng Mona Lisa trong tranh của Da Vinci.

Chồng của Isabella chưa bao giờ có quyền cai trị, vì chú của ông, Ludovico, đã giam hãm cả hai vợ chồng bà trong một tòa lâu đài ở Pavia. Công chúa Isabella, người từng phàn nàn rằng cuộc hôn nhân của mình là bất hạnh lịch sử, vẫn ở Pavia cho tới khi người chồng đột ngột qua đời vào năm 25 tuổi, có thể do bị ông chú Ludovico đầu độc.

Công chúa Isabella sau đó trở lại Naples và cuối cùng chết tại đây ở tuổi 54, nhiều khả năng do thuốc tự chữa bệnh giang mai của bà. Theo giáo sư Fornaciari, người tham gia khai quật di cốt công chúa Isabella, hàm răng của bà được bao bọc trong một lớp kim loại mỏng màu đen. 

Màu đen của lớp bọc răng được cho là do thủy ngân, thứ thuốc công chúa Isabella được kê dùng với liều lượng lớn, nhưng vô hiệu trong việc chữa bệnh giang mai của bà, gây ra.

Về hai phần cơ thể của một ấu trùng ruồi lính đen tìm thấy gần hộp sọ của công chúa Isabella, ông Fornaciari và các cộng sự nhận định, khả năng cao là con côn trùng này đã xâm nhập vào thi thể của bà nhiều thế kỷ sau khi bà chết. Bọn trộm từng bật mở quan tài bằng đá khi thi thể của công chúa Isabella đã trơ xương, khiến nó không còn thích hợp cho loài ruồi lính đen.

Khám phá đã làm nảy sinh các câu hỏi mới về nguồn gốc của ruồi lính đen. Theo các nhà nghiên cứu, có thể tồn tại 3 khả năng: Một là, loài côn trùng này không có nguồn gốc châu Mỹ, mà là loài sinh trưởng tự nhiên ở vùng Paleartic, trải dài từ phía tây châu Âu tới eo biển Bering, ngay cả khi cư dân ở đây mãi tới năm 1926 mới biết đến chúng.

Hai là, ấu trùng không thuộc về loài ruồi Hermetia illucens mà thuộc về một loài mới, có họ hàng gần gũi với chúng hoặc là một loài bí ẩn nào đó. Giả thiết thứ 3, theo giáo sư Fornaciari, là con ruồi đã di cư từ châu Mỹ sang châu Âu trong xác của các con chuột chết hoặc thức ăn thối rữa trên những tàu buôn của Tây Ban Nha ghé thăm cảng Naples.

Theo Vietnamnet, Discovery

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ