Bí ẩn tục lệ ghi tên họ làng So

GD&TĐ -Không một quy ước, hay sự ràng buộc nào, nhưng có một ngôi làng tại Hà Nội cứ thế hệ này truyền thế hệ kia bảo nhau ghi họ cho chính con đẻ của mình mỗi người một kiểu. Con trai thì ghi giống trình tự của bố, còn con gái thì lấy tên đệm của bố làm họ.

Bí ẩn tục lệ ghi tên họ làng So

Đó là làng So (xã Cộng Hòa, Quốc Oai, Hà Nội) - ngôi làng có nghề làm miến dong nổi tiếng khắp vùng. Giống như bao ngôi làng khác, làng So cũng cây đa, bến nước sân đình thật gần gũi và thân thuộc, nhưng chỉ có cách ghi tên họ là chứa đầy bí ẩn.

Tìm hiểu tục lệ này chúng tôi được các cụ bô lão trong làng cho biết: Đúng là làng So có tục lệ ghi tên họ hơi khác với các địa phương trong cả nước. 

Chẳng phải trước kia, ngay cả bây giờ vẫn còn một số gia đình, dòng họ thực hiện cách ghi tên họ cho con trai, con gái mình mỗi người một kiểu. 

Đối với con trai thì chẳng nói làm gì, bởi đều được thực hiện ghi trình tự giống cha đẻ, còn với con gái thì đều được ghi bắt đầu từ thứ hai (trong tên đệm) của người cha đẻ. 

Ví dụ, tên bố là Nguyễn Tiến Thành, sinh được con gái đặt tên là Mai thì ghi khai sinh là Tiến Thị Mai. Theo người dân làng So đây là cách ghi chung, trở thành cái lệ của làng có từ nghìn đời xưa để lại.

Cũng theo người dân làng So thì cách ghi như vậy làm cho mọi người cứ tưởng là con gái lấy tên đệm của bố làm họ, nhưng thực chất họ làng So được đặt giữa tên và đệm. Ví dụ như ở trường hợp trên thì: “Tiến” mới là họ và tên đệm là “Nguyễn”.

Thế nhưng khi được hỏi tục lệ này có từ bao giờ thì không một ai biết. Trong tất cả gia phả, thần phả và các bút tích của làng So để lại không hề có một quy định nào nói về cách đặt tên họ như vậy, mà chỉ biết đời các cụ trước làm vậy, đời sau làm theo, cứ như vậy từ đời này truyền sang đời khác tồn tại, chẳng ai bảo ai, gia đình nào đều cứ răm rắp làm theo và coi đây là việc bình thường.

Giải thích về tục lệ kỳ lạ này, cũng đã có không ít nhà nghiên cứu cổ học về tìm hiểu nhưng cũng chưa tìm ra. Ngay cả các cụ cao niên trong làng cũng có nhiều ý kiến khác nhau. 

Có nhiều ý kiến cho rằng: Xuất phát từ việc các cụ ngày xưa thay tên đổi họ do chiến tranh, địch họa nhằm tránh bị đánh, giết. Mặt khác, cha mẹ luôn muốn con cái sinh ra phải nhớ lấy cội nguồn, gốc rễ. 

Đàn bà chính là nguồn (do ảnh hưởng từ chế độ mẫu hệ), đàn ông là cội. Con trai lấy họ cha để giữ cội, con gái mang tên đệm cha làm họ để giữ nguồn…

Cũng có ý kiến khác thì lại giải thích hướng cái tục lệ ghi tên họ của làng gắn liền với sự ra đời đình làng So, mà tương truyền rằng: Vào mùa xuân năm Canh Thìn (930), có ông Cao Hiển và bà Lã Thị Ả ở hương Vạn Kỳ, huyện Gia Định, phủ Thuận An, đạo Kinh Bắc nhà vốn rất nghèo, làm nghề đánh cá trên sông. 

Hai ông bà rất thích làm việc thiện, một việc thiện dù nhỏ cũng làm. Một hôm hai ông bà đi đánh chài lưới trên sông Như Nguyệt, kéo được 15 dật vàng.

Từ đấy hai ông bà làm ăn khấm khá. Hiềm nỗi ông bà đã ngoài 50 tuổi mà vẫn chưa có con. Người chồng vẫn thường nói với vợ: Tiền rừng gạo bể mà không có con thì sống không được vui và bàn với bà đi tìm nơi cầu tự.

Hai ông bà nghe nói ở đền Hữu Linh, trang Sơn Lộ (thuộc địa phận làng So) là nơi linh ứng cầu gì được nấy. Họ bèn sắm sửa lễ vật đến đó cầu tự. Sớm hôm sau ông bà làm lễ tạ rồi xuống thuyền cùng với hai người vạn chài xuôi dòng sông Hát (một nhánh sông Hồng chảy về sông Đáy).

Thuyền đang đi, trời bỗng nhiên tối sầm lại như đêm và một trận gió lớn ập đến. Lúc này thuyền chở ông bà đến địa phận trang Sơn Lộ hai người ngẩng đầu nhìn lên trời thấy có đám mây vàng hướng vào bà mà hạ xuống. Lã thị hoảng sợ, nằm miên man.

Sau đó bà có mang, tháng 2 năm Quý Tỵ (933), bà sinh được 3 người con trai. Ba đứa trẻ lớn lên thành những chàng trai khỏe mạnh rồi theo Đinh Tiên Hoàng đi dẹp loạn. Quân sĩ kéo từ Hoa Lư thắng trận về đến trang Sơn Lộ thì nghỉ ngơi và tập hợp trai tráng trong vùng tiếp tục chiến đấu dẹp loạn 12 sứ quân. 

Đinh Tiên Hoàng lên ngôi bèn sắc phong 3 ông là tam vị Thông Hiện nguyên soái Đại Vương. Trải qua các triều đại, tam Thánh đều được sắc phong mỹ tự.

Để tưởng nhớ công ơn của bà người dân trong vùng làm đình thờ phụng đời đời. Và đặc biệt với đàn bà, con gái đều kiêng kỵ nói tới từ “Lã” sợ phạm vào từ húy là họ bà Vương Mẫu. Cũng từ đó việc nói lái và tránh đã hình thành ở làng So việc đặt xê dịch cách ghi họ ở giữa đối với con gái trong làng.

Cứ như vậy thế hệ nọ truyền sang thế hệ kia, vô tình nó đã ngấm vào máu, không thể thay đổi được. Mặc dù chính bản thân người dân ở nơi đây cũng đều thấy chính việc tách mình ra khỏi quy tắc đặt tên họ chung của người Việt đem lại cho họ hết rắc rối này đến phiền toái khác, có khi “dở khóc, dở cười” từ cách lấy họ như thế. Nhất là khi chính con cháu làng So đi học không được chấp nhận, phải về địa phương xác minh lý lịch.

Nhưng cũng theo người dân nơi đây là may mắn là việc xác minh lý lịch cũng khá đơn giản, bởi người dân làng So đi xa phải trở về làng xác minh lý lịch là chuyện như cơm bữa. 

Thế nên họ vẫn xem như là sự một kế tục truyền thống văn hóa của cha ông để lại, dẫu không biết tục lệ ấy bắt đầu từ đâu, có từ bao giờ, nhưng chính sức mạnh về sự lưu truyền huyền bí của nó đã tạo thành một hiện tượng văn hóa hiếm, lạ của người Việt chưa giải thích được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ