Hầu hết các địa điểm khảo cổ quan trọng ở Trung Mỹ đã được các nhà khảo cổ học phát hiện thông qua sự chỉ dẫn của người dân địa phương. Một số nhà khảo cổ nghiên cứu nền văn minh Maya của người da đỏ châu Mỹ bắt đầu công việc tại khu vực mới bằng cách vào quán bar, uống bia, tán gẫu và lắng nghe người địa phương kể về các di tích họ nhìn thấy đâu đó trong rừng.
Một hiện vật cổ
Tuy nhiên, việc tìm ra thành phố cổ ngay tại thung lũng thuộc dãy núi Mosquitia (Honduras), một trong những vùng đất chưa từng được các nhà khoa học thám hiểm, lại là kết quả từ việc ứng dụng công nghệ Lidar - dò tìm bằng ánh sáng. Công nghệ này giúp các nhà nghiên cứu phác họa được bản đồ những địa hình phức tạp ở các vùng rừng nguyên sinh cây cối dày đặc.
Hành trình khám phá
Sau khi di chuyển bằng trực thăng đến khu vực nói trên, nhóm thám hiểm quốc tế gồm 5 nhà khảo cổ học Mỹ và Honduras, cùng 3 cựu binh đặc nhiệm Anh đã đi đường bộ, tìm cách thâm nhập vào khu vực thung lũng cần khảo sát mà họ đặt mật danh là thung lũng T1.
Khu vực khảo sát nhìn từ trên cao
Nhóm thám hiểm phải liên tục băng qua nhiều triền dốc, sông suối, tiến sâu vào khu rừng nguyên sinh rậm rạp um tùm với những thân cây cổ thụ khổng lồ như những cây cột trong nhà thờ lớn. Nhiều cây có đường kính đến vài mét. Không khí trong rừng là một hỗn hợp mùi hương đất và mùi lá cây mục. Vào ban đêm, loài báo đốm Mỹ kêu gừ gừ lảng vảng quanh lều của họ. Nhóm cũng bắt gặp loài rắn độc fer-de-lance hầu như mỗi ngày.
Hành trình khám phá thật lắm gian nan. Khi mới tiếp cận T1, các nhà nghiên cứu thất vọng bởi những tán lá rừng rậm đến mức không thể cảm nhận được bất kỳ dấu hiệu gì của một thành phố. Tuy nhiên, công nghệ tia sáng laser đã giúp nhóm xác định được họ đang tiến gần tới vị trí của một di tích đổ nát nào đó.
Đến ngày thứ ba, nhóm thám hiểm vỡ òa vui sướng khi phát hiện di tích thành phố cổ còn nguyên vẹn, không có dấu hiệu bị xáo trộn, do nó nằm sâu trong rừng mưa nhiệt đới, ở nơi hoang vu đến nỗi nhóm thám hiểm cho rằng các loài động vật ở đó còn chưa bao giờ nhìn thấy con người.
Câu chuyện về sự hủy diệt
Nhóm khảo cổ đã tìm thấy khoảng 500 tác phẩm điêu khắc và các mảnh vỡ rải rác quanh khu vực. Tất cả những hiện vật này đều có cùng niên đại và mang tính tâm linh. Họ đặt giả thiết đây là khu mộ nơi người xưa chôn cất và cúng tế người chết.
Nhóm nghiên cứu trên đường vào khu vực khảo sát.
Ngoài ra, nhóm còn phát hiện một bức tượng ở ngay giữa trung tâm khu vực khai quật có hình dạng nửa người nửa chim kền kền, có thể là tượng miêu tả một vị pháp sư nào đó. Loài chim kền kền trong văn minh của người da đỏ châu Mỹ xưa kia tượng trưng cho cái chết và sự chuyển tiếp vào thế giới tâm linh.
Các nhà nghiên cứu cho biết, những hiện vật cho thấy khu vực khảo cổ này không phải là ngôi mộ cho một cá nhân, mà là đài kỷ niệm cho toàn bộ thành phố. Khoảng năm 1500, có khả năng một thảm họa xảy ra khiến người dân ở đây phải từ bỏ thành phố đã tồn tại hơn 500 năm này. Nhưng điều gì đã xảy ra? Những chủ nhân của thành phố bí ẩn đã bỏ đi đâu? Không có khả năng thành phố bị đội quân viễn chinh Tây Ban Nha chinh phục vì không có bằng chứng hay tài liệu nào cho biết người Tây Ban Nha (hoặc bất kỳ người châu Âu nào) từng tới miền núi và thung lũng xa xôi này.
Trưởng nhóm khảo cổ, giáo sư Bộ môn Nhân loại học tại Đại học Colorado, ông Collins Fisher cho rằng, có khả năng là bệnh dịch hạch đã tàn phá thành phố này bởi với địa hình thung lũng như một pháo đài, bốn bề là núi cao và chỉ có một lối ra vào duy nhất, thành phố gần như không thể bị xâm chiếm. Dịch bệnh là mối đe dọa lớn nhất, đặc biệt là bệnh đậu mùa và sởi. Theo một số tài liệu, từ năm 1518 đến 1550, bệnh tật đã cướp đi sinh mạng 90% dân số Honduras. Những người sống sót rời bỏ thành phố tìm nơi sinh sống an toàn hơn. Mầm bệnh lây lan vào thành phố theo hai con đường: thương mại và nô lệ.
Bệnh dịch hạch, còn được gọi là Cái chết đen, lúc cao điểm nhất đã lấy đi sinh mạng 60% dân số châu Âu. Mặc dù vậy, con số đó vẫn chưa đủ để hủy hoại cả một nền văn minh. Nhưng 90% thì lại khác, nó không chỉ giết chết con người mà còn tàn phá cả xã hội. “Hãy tưởng tượng đến cảnh bạn chứng kiến cái chết của người thân và bạn bè… Hãy tưởng tượng vùng đất hoang bị bỏ lại sau đó, không một bóng người, cỏ mọc um tùm, nhà cửa, phố xá đầy rẫy xác người không được chôn cất, tĩnh mịch đến rợn người…”, GS. Fisher nói.
Dịch hạch đã giết chết hàng triệu người từ Alaska, Tierra del Fuego, New England, từ rừng mưa Amazon đến vịnh Hudson. Đây là thảm họa lớn nhất từng xảy đối với loài người. Và theo GS. Fisher, cái chết của thành phố trong thung lũng T1 là một phần của sự hủy diệt này.