Bí ẩn dịch bệnh cười: Hơn 1.000 người cười liên tục, 14 trường học phải đóng cửa

Bí ẩn dịch bệnh cười: Hơn 1.000 người cười liên tục, 14 trường học phải đóng cửa

Tiếng cười thường đem lại niềm vui và hạnh phúc, đôi khi nó cũng biểu hiện trạng thái hưng phấn hoặc quá tức giận, quá đau khổ. Tuy nhiên trong lịch sử, có một dịch bệnh mang tên dịch bệnh cười từng khiến giới khoa học đau đầu để giải thích. 

Chuyện tưởng như đùa này có thật tại Tanzania, một quốc gia ở Đông Phi.

Mọi chuyện bắt đầu vào ngày 30/1/1962 tại một trường trung học nữ sinh do các nữ tu quản lý ở ngôi làng Kashasha, thuộc vùng Kagera, Tanganyika (ngày nay là Tanzania). Có 3 nữ sinh đột nhiên cất tiếng cười lớn một cách bất thường. 

Ban đầu, những người xung quanh cho rằng 3 nữ sinh này có chuyện gì đó vui vẻ, chỉ cười một lúc sẽ ngừng lại nhưng không. Họ không thể ngừng tiếng cười của mình được suốt nhiều giờ. 3 nữ sinh này đã cười nhiều tới mức ngất đi vì mệt.

Không lâu sau đó, chứng bệnh cười này đã lây lan ra nhiều học sinh khác trong trường rồi tiếp tục lây sang những ngôi trường khác ở các làng xung quanh. 

Biểu hiện chung của họ đều là cười một cách không thể kiểm soát được dù thực sự bản thân không hề vui vẻ, ngược lại còn mang tâm trạng lo lắng và sợ hãi. Họ có thể cười trong vài giờ, thậm chí là vài ngày, sau đó xuất hiện một số triệu chứng khác như phát ban, đau đớn và ngất xỉu.

Chỉ trong thời gian ngắn, chứng bệnh cười này đã lây lan ra hơn 1.000 người, hầu hết trong số đó đều là học sinh. Tới ngày 18/4/1962, 14 trường học ở Tanganyika đã phải đóng cửa tạm thời khi tỷ lệ học sinh mắc phải lên tới 60%. Kể từ đó, dịch bệnh này được gọi là dịch bệnh cười Tanganyika.

Dịch bệnh cười nhanh chóng trở thành đề tài nóng, thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia và nhà khoa học trên thế giới. Theo nghiên cứu, hầu hết những trường hợp mắc chứng bệnh cười này đều bắt nguồn từ một người có dấu hiệu tâm lý bất thường, rơi vào trạng thái cười gây lo lắng, tạo ra hiệu ứng dây chuyền, sau đó lan ra những người xung quanh. Dần dần, nó lan rộng trong môi trường trường học và những quần thể liên quan khác.

Các triệu chứng của dịch bệnh cười thường là cười không thể ngừng lại được, cười tới chảy nước mắt, những trận cười thường kéo dài từ vài giờ, thậm chí dài nhất đến tận 16 ngày. Kéo theo đó, bệnh nhân có thể bị bồn chồn, lo lắng, không ngừng vận động, thỉnh thoảng đi kèm bạo lực và ngất xỉu vì quá mệt.

Nhà khoa học Christian Hempelmann thuộc Đại học Texas A&M (Mỹ), người đã thực hiện nghiên cứu về dịch bệnh trên, cho rằng dịch bệnh cười là một trường hợp bệnh tâm lý hoặc xã hội học hàng loạt, có khả năng tấn công trong những môi trường mang tính căng thẳng cao, cụ thể ở đây là môi trường trường học, nơi học sinh thường gặp nhiều áp lực về chuyện học hành, bài vở và thi cử.

Ông Christian cho rằng dịch bệnh cười Tanganyika là một dạng bệnh tâm lý liên quan đến sức khỏe thần kinh. Đối tượng mắc bệnh thường là học sinh, phải chịu nhiều áp lực học hành nên tìm đến tiếng cười như một cách giải tỏa căng thẳng. 

Nhưng thực tế, tiếng cười là cách các bệnh nhân thể hiện trạng thái tâm lý bất ổn. Dịch bệnh này dễ lây lan giữa các học sinh do họ có chung sự áp lực.

Nhà khoa học Christian đã liên hệ với một trường hợp từng xảy ra tại Sở quản lý cơ giới (DMV) ở thành phố Layafette, bang Indiana, Mỹ. Hàng loạt công nhân tại đây đột nhiên gặp phải tình trạng suy hô hấp, đến mức nhiều tòa nhà phải đóng cửa cách ly và cuối cùng là phải di dời. 

Sau đó, các chuyên gia đã tới kiểm tra khu vực này nhưng điều bất ngờ là môi trường không hề bị ô nhiễm, không có bất cứ dấu hiệu nào của virus, bệnh truyền nhiễm hay bệnh tật nào khác.

Cuối cùng, người ta kết luận rằng đây là một trường hợp bệnh tâm lý trên diện rộng. Thời điểm đó, môi trường và điều kiện làm việc tại DMV quá tồi tệ khiến nhiều công nhân cảm thấy khó chịu, uất ức và không muốn làm việc tại đó nữa. Họ muốn tìm cách thoát khỏi tình huống này và cuối cùng gây ra tình trạng suy hô hấp theo dây chuyền.

Trong khoa học có một lĩnh vực mang tên gelotology, nghiên cứu về tiếng cười và tác dụng của nó với cơ thể, trị liệu bệnh lý bằng tiếng cười, từ đó mang lại nhiều lợi ích cho tâm lý và sức khỏe. 

Tiếng cười có thể làm giảm hormone gây căng thẳng và tăng endorphin, một loại hormone giúp giảm đau cả về thể chất lẫn tâm lý. Theo ông Christian, trong trường hợp dịch bệnh cười Tanganyika, những bệnh nhân dùng tiếng cười để giải phóng sự áp lực và đau khổ mà họ đã tích tụ lâu ngày.

Ngoài dịch bệnh cười Tanganyika xảy ra vào năm 1962, hành vi tâm lý này vẫn xảy ra thường xuyên ở nhiều nơi trên thế giới. 

Tháng 11/2015, hàng loạt học sinh trong một trường học tại Lancashire, nước Anh, gặp tình trạng buồn nôn và chóng mặt không giải thích được. Một số trường hợp tương tự như vậy cũng từng xảy ra tại Kosovo, Afghanistan và Nam Phi.

Theo thoidaiplus.giadinh.net.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.