Bếp ăn bán trú “ứng phó” với giá thịt lợn leo thang

GD&TĐ - “Thịt lợn đang trong giai đoạn có giá đắt đỏ nhất trong vòng 5 năm qua” – Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Vậy, trong thời “bão giá” đối với loại thực phẩm phổ biến này, bếp ăn bán trú của các nhà trường xoay xở ra sao?

Học sinh trường Tiểu học Giang Biên (Long Biên – Hà Nội) vui vẻ với bữa cơm bán trú.
Học sinh trường Tiểu học Giang Biên (Long Biên – Hà Nội) vui vẻ với bữa cơm bán trú.

Trong thực đơn của bếp ăn bán trú, thịt lợn được coi là “món đinh” bởi thuộc nhóm thực phẩm phổ biến, chứa nhiều Protein, chế biến được nhiều món ăn, đồng thời cũng hợp khẩu vị nhiều người, nhất là đối với trẻ. Tuy nhiên, khi số tiền đóng góp của phụ huynh cho bữa ăn bán trú của trẻ giữ nguyên giữa thời giá thực phẩm biến động cũng khiến các bếp ăn bán trú phải đau đầu cân đối, tìm thực phẩm thay thế.

Bà Hứa Thu Huyền, Hiệu trưởng trường Tiểu học Giang Biên (Long Biên – Hà Nội) chia sẻ, với mức thu 20 nghìn đồng/ngày, trong giai đoạn giá thịt lợn tăng phi mã, nhà trường đã bàn bạc thực đơn với công ty cung cấp thực phẩm và suất ăn để lựa chọn các thực phẩm thay thế khác vừa đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ lại phải “hợp túi tiền”.

“Thịt lợn là món khoái khẩu của nhiều học sinh nên bữa ăn thiếu món này khiến sự hào hứng ăn uống của trẻ có phần giảm sút. Chúng tôi cố gắng 1 tuần ít nhất 1 thực đơn có thịt lợn cho trẻ cải thiện và ngon miệng hơn”, bà Huyền cho biết.

Suất ăn với thịt lợn kho trứng của học sinh trường Tiểu học Giang Biên (Long Biên – Hà Nội)
Suất ăn với thịt lợn kho trứng của học sinh trường Tiểu học Giang Biên (Long Biên – Hà Nội) 

Với mức thu của một trường nội thành, hiện mức đóng góp theo thỏa thuận suất ăn bán trú của học sinh trường Tiểu học Đông Thái (Tây Hồ, Hà Nội) là 30 nghìn/ngày.

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thúy Minh, hiệu trưởng nhà trường, thực đơn hàng tuần đều được Ban giám hiệu duyệt trên cơ sở đề xuất của công ty cung cấp suất ăn. Nhà trường phân công CB-GV và NV y tế giám sát quy trình giao nhận thực phẩm, chế biến thực phẩm, chia cơm, lưu nghiệm thực phẩm hàng ngày.

“Tuy giá thịt lợn tăng cao trong thời gian gần đây ở khắp các địa phương, đặc biệt ở khu vực nội thành Hà Nội còn chịu mức chênh giá cả với các khu vực khác nhưng bếp ăn bán trú của trường vẫn cố gắng duy trì 1 bữa thịt lợn/tuần, chỉ là thay đổi món. Ví dụ trước đây khi giá thịt lợn ổn định thì thực đơn là thịt kho, thịt rang thì giờ là thịt kho trứng cút hoặc trứng đúc thịt. Cơ bản là cố gắng cân đối để không gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng bữa ăn của học sinh”, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thúy Minh cho hay.

Các nhà trường lựa chọn thay thế thịt lợn bằng các thực phẩm khác như: thịt gà, thịt bò, tôm, cá, trứng,… cùng các loại rau củ, đảm bảo đa dạng thực phẩm và chất lượng.

Theo chia sẻ của các hiệu trưởng, vì chỉ có thịt lợn tăng giá đột biến do nguồn cung hạn chế - hệ lụy từ dịch bệnh kéo dài, giá các thực phẩm khác gần như không có biến động nên không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh và các bếp ăn vẫn kiểm soát, cân đối được khẩu phần ăn hợp lý về giá cả mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ.

Video: Nhân viên bếp ăn trường Tiểu học Giang Biên (Long Biên – Hà Nội) chia các suất cơm bán trú cho học sinh:

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ