Béo phì tăng, nhưng trẻ em Việt Nam ít ăn rau, thiếu vận động

GD&TĐ - Ít ăn rau, thiếu vận động thể lực, trẻ em Việt Nam đối mặt với các nguy cơ lây nhiễm khi trưởng thành như: Tim mạch, đái tháo đường, ung thư…

Tăng cường vận động thể lực sẽ giúp kiểm soát cân nặng ở trẻ. Ảnh minh hoạ
Tăng cường vận động thể lực sẽ giúp kiểm soát cân nặng ở trẻ. Ảnh minh hoạ

Chỉ 18% học sinh thường xuyên ăn rau trong ngày

Trẻ em và học sinh trong các trường học hiện nay chiếm gần 1/4 dân số Việt Nam (khoảng gần 23 triệu người). Đây là đối tượng đang trong giai đoạn phát triển thể chất, tinh thần và hình thành các hành vi lối sống. Tình trạng sức khỏe ở lứa tuổi này sẽ quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực và sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Một vấn đề đặc biệt quan trọng với trẻ em lứa tuổi đi học, đó là ở nước ta, tỷ lệ nhẹ cân còn phổ biến, đồng thời thừa cân, béo phì ở học sinh đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt khu vực thành thị. Đây chính là gánh nặng kép về dinh dưỡng trẻ em Việt Nam.

TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, hiện tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, đặc biệt là suy dinh dưỡng thấp còi ở nước ta vẫn còn ở mức cao (24,6% năm 2015), ảnh hưởng lớn đến phát triển chiều cao, tầm vóc của người Việt Nam. Bên cạnh đó, tình trạng trẻ béo phì, thừa cân lại gia tăng nhanh nhất là tại khu vực thành thị.

Năm 2015, điều tra của Bộ Y tế cho thấy tỷ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em là 5,3%. Số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho tỷ lệ thừa cân và béo phì của học sinh lớp 5, 9 và 12 năm 2017 ở Hà Nội là 18,6%. Con số này cao hơn so với tổng điều tra dinh dưỡng năm 2009-2010 trên toàn quốc.

Còn theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì hai thành phố lớn nhất cả nước tăng vọt. Với TP HCM, tỷ lệ đã chạm mức hơn 50% còn tại Thủ đô Hà Nội vào khoảng 41% (ở khu vực nội thành). Trong khi năm 1996, con số chỉ khoảng 12%. Xét nghiệm của 500 trẻ béo phì cho thấy, tỷ lệ rối loạn mỡ máu dao động 35-50%.

Cũng theo điều tra này, về hoạt động thể lực của trẻ trong 3 ngày (có cả ngày đi học, ngày ở nhà) bằng việc đeo máy đo bước chân cho thấy, hoạt động thể lực của trẻ chỉ đạt ở mức trung bình và là chuyển động đơn thuần, còn hoạt động thể dục, thể thao gần như không có.

Theo TS Trương Đình Bắc, điều tra của Bộ Y tế cho thấy chỉ có khoảng 18% học sinh thường xuyên ăn rau trong ngày; chỉ có 20% học sinh bảo đảm vận động thể lực 60 phút/ngày và 5 ngày/tuần. Một người ít vận động sẽ tăng 20-30% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân.

“Đây là các yếu tố nguy cơ chính gây nên các bệnh học đường và bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư… những bệnh không lây nhiễm - khi trưởng thành” – TS Trương Đình Bắc khẳng định.

Chế độ dinh dưỡng không bảo đảm bao gồm thiếu dinh dưỡng và dinh dưỡng không hợp lý (ăn thiếu rau và trái cây, ăn nhiều chất béo no, chất béo chuyển hóa và ăn nhiều muối,…).

TS Trương Đình Bắc cũng cảnh báo thêm tình trạng, người Việt, trẻ em Việt Nam rất thích đồ chiên, rán và nước ngọt. Song song với đó, tỷ lệ thừa cân béo phì cũng tăng nhanh. Tại nhiều bệnh viện đã ghi nhận tình trạng trẻ hoá các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, tăng huyết áp…

Phấn đấu tăng tỷ lệ bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng

Trong Chương trình Sức khoẻ Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1092/QĐ-TTg, chăm sóc sức khoẻ trẻ em và học sinh là một trong 11 nội dung ưu tiên giai đoạn 2018-2030.

Theo đó, nội dung của hoạt động này sẽ tập trung vào tiêm chủng phòng bệnh, chăm sóc mắt nhằm giảm tỷ lệ cận thị và bảo đảm dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng dinh dưỡng, kiểm soát sự gia tăng của thừa cân béo phì.

Cụ thể, Chương trình đặt mục tiêu tới năm 2025, tỷ lệ trường học bán trú, nội trú có tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng cho học sinh sẽ đạt 70%, tăng lên 90% năm 2030 (đối với trường mầm non). Đối với trường tiểu học, tỷ lệ tương ứng là 75% và 100%.

TS Trương Đình Bắc cho hay, Bộ Y tế đã có khuyến nghị dinh dưỡng cho người Việt Nam sửa đổi năm 2016, trong đó xây dựng những hướng dẫn khẩu phần ăn đảm bảo đủ năng lượng, cân bằng dinh dưỡng theo các nhóm tuổi, giới và tình trạng sinh lý, nghề nghiệp.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các tài liệu chi tiết để truyền tải kiến thức này đến người dân, tập trung nhiều vào giáo dục dinh dưỡng, tổ chức bữa ăn cho học sinh đảm bảo cân bằng dinh dưỡng trong các trường học, hướng dẫn dinh dưỡng bệnh lý cho các người mắc bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng.

BS.Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho rằng để truyền thông hiệu quả cho người dân kiến thức về dinh dưỡng, cần đưa giáo dục kiến thức về dinh dưỡng hợp lý, lựa chọn các thực phẩm lành mạnh như thực phẩm ít muối, ít chất béo bão hòa, ít chất béo chuyển hóa, ít đường… vào trường học để giúp trẻ em có kiến thức và hình thành thói quen đúng về dinh dưỡng hợp lý khi trưởng hành.

Không chỉ có chế độ dinh dưỡng không hợp lý, trẻ em Việt Nam còn thiếu vận động. TS Bắc cũng chỉ rõ thực trạng, 30% người dân Việt Nam thiếu vận động thể lực nhưng nước ta lại thiếu rất nhiều đường dành riêng cho xe đạp, đi bộ, quy hoạch khu dân cư thiếu nơi sinh hoạt cộng đồng, thiếu các dụng cụ thể dục thể thao nơi công cộng và gần như bị lệ thuộc quá nhiều vào phương tiện di chuyển (xe máy, ô tô), càng làm cho việc thiếu vận động trầm trọng hơn.

Trong khi đó, tăng cường vận động thể lực sẽ giúp kiểm soát cân nặng, giảm tình trạng thừa cân béo phì và các rối loạn chuyển hóa, phòng chống các bệnh mãn tính nguy hiểm như tim mạch, tiểu đường, ung thư, rối loạn sức khoẻ tâm thần… Đối với trẻ em và học sinh, chế độ dinh dưỡng hợp lý và vận động thể lực sẽ giúp tăng trưởng chiều cao, cơ thể phát triển cân đối, khoẻ mạnh.

Bộ Y tế đã và đang phối hợp với Bộ GD&ĐT xây dựng và tổ chức triển khai chương trình giáo dục dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực cho học sinh trong các nhà trường. Một số mô hình triển khai thí điểm đã có thành công bước đầu, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình mẫu trên phạm vi toàn quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ