Bệnh whitmore không lây từ người sang người, điều trị sớm sẽ khỏi hoàn toàn

Một bệnh nhân mắc bệnh Whitmore tại BV Đa khoa Hà Tĩnh (Ảnh Internet).
Một bệnh nhân mắc bệnh Whitmore tại BV Đa khoa Hà Tĩnh (Ảnh Internet).

Bệnh phát hiện ở nhiều lứa tuổi

Đầu tháng 9, tại Bệnh viện Bạch Mai, một trong những trường hợp mắc bệnh whitmore nặng nhất được điều trị là một bệnh nhân 24 tuổi ở Sầm Sơn (Thanh Hóa). Người bệnh được chuyển tới viện trong tình trạng rất xấu: nhiễm trùng huyết nặng, sốc nhiễm trùng, suy đa phủ tạng.

Ba lần bệnh nhân được cấy máu xét nghiệm thì hai lần đều cho kết quả âm tính. Đến lần thứ 3 bác sĩ mới xác định được bệnh thì đã ở giai đoạn muộn vì vậy tiên lượng sức khỏe của người bệnh không khả quan.

Do xác định bệnh muộn, sau hơn 10 ngày điều trị theo phác đồ đặc hiệu, bệnh nhân vẫn không tiến triển, bệnh nhân từ 70kg sụt nhanh còn 40 cân.

Một bệnh nhân bị ăn mòn cánh mũi (BVCC).
Một bệnh nhân bị ăn mòn cánh mũi (BVCC).

Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh một bệnh nhân 61 tuổi ở thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên) có tiền sử bị bệnh đái tháo đường type II cũng được kết luận mắc bệnh whitmore.

Về triệu chứng người bệnh bị sốt cao liên tục, các ngón ở bàn chân phải bị sưng, chảy dịch có mùi hôi. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có diễn biến nặng dần: Sốt cao, rét run, huyết áp tụt. Do tình trạng nhiễm trùng nặng, bệnh nhân cũng phải chuyển tuyến trên điều trị.

Tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhi Cao Thị Bảo Ngọc 12 tháng tuổi con chị Lê Thị Nghĩa cũng được chẩn đoán mắc bệnh whitmore. Cháu bé này cũng được chuyển tuyến từ Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Hà Tĩnh, trong tình trạng sốt cao liên tục, quấy khóc, sưng to tuyến mang tai.

Tuy nhiên, sau một tháng điều trị sức khỏe cháu đã ổn định. Mẹ bệnh nhi cho biết: Trước đó tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cháu được kết luận mắc bệnh viêm tuyến nước bọt và quai bị.

Ngoài ra ở các địa phương như Thái Nguyên, Yên Bái cũng đã ghi nhận các bệnh nhân mắc chứng bệnh whitmore. Triệu chứng và diễn biến của bệnh lý này rất phức tạp và thường xuất hiện ở những người có hệ miễn dịch suy giảm, đang mắc các bệnh mạn tính.

Người dân không nên chủ quan

Trao đổi về độc tính của bệnh lý Whitmore, PGS.TS. Bùi Vũ Huy Bệnh viện Nhiệt Đới Trung ương cho biết: “Người dân cần hiểu đúng về căn bệnh Whitmore. Đây là bệnh nhiễm trùng nhưng không lây lan, người dân do vệ sinh cá nhân kém nên mắc bệnh. Bệnh này xuất hiện ở mọi lứa tuổi.

Điều nguy hiểm là do người dân chủ quan không quan tâm chăm sóc tới sức khỏe, khi mắc bệnh đến viện muộn thì hậu quả sẽ khôn lường.

Bệnh Whitmore do vi khuẩn gây nên, những vi khuẩn này tồn tại trong đất và nước và đặc biệt là những nguồn nước bị ô nhiễm. Những người mạnh khỏe sẽ không bị mắc. Tuy nhiên, đối với những người sức khỏe yếu có các bệnh mạn tính như đái đường, suy thận, gan… khi bị nhiễm khuẩn bệnh sẽ trỗi dậy”.

Theo, PGS.TS. Bùi Vũ Huy, bệnh nhiễm khuẩn Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng. Ở trẻ em thường có triệu chứng sốt cao, nhiễm trùng nhiễm độc và biểu hiện sưng tuyến mang tai.

Các trường hợp được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW đều có bằng chứng nhiễm khuẩn huyết. Ở người lớn bệnh cảnh phổ biến nhất là viêm phổi, sau đó tới viêm da, nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm trùng huyết.

Để phòng bệnh, người dân cần chăm sóc sức khỏe, giữ gìn vệ sinh thân thể. Nếu cơ thể bị trầy xước, vết thương phải được xử lý cẩn thận. Khi sức khỏe có dấu hiệu không tốt phải đến bác sĩ để được thăm khám và tư vấn.

Đối với bệnh Whitmore, nếu được khám sớm người bệnh sẽ được điều trị kịp thời và hiệu quả hơn. Riêng với những người có tuổi, mắc các bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch cần tránh tiếp xúc xúc bùn đất, nguồn nước bị ô nhiễm với môi trường mất vệ sinh không an toàn.

Bệnh Whitmore khó lây truyền từ người sang người

Trước diễn biến phúc tạp của bệnh Whitmore (Melioidosis) đại diện Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cũng đã khuyến nghị tới người dân: Bệnh Whitmore khó lây truyền từ người sang người. Đây là bệnh ít gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở những người mắc bệnh mãn tính.

Vi khuẩn B. pseudomallei khi vào cơ thể có sẽ thâm nhập vào các bộ phận của cơ thể, thường gặp là ở phổi. Bên cạnh đó là các cơ quan nội tạng như gan, thận, tim, cơ, da các tuyến tiêu hóa…

Bệnh Melioidosis gặp ở tất cả các độ tuổi, cả ở nam và nữ, gặp nhiều hơn ở người có nghề nghiệp tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với đất, nước.

Bệnh Melioidosis dễ bị mắc ở những người có các bệnh mãn tính như đái tháo đường, bệnh thận, bệnh phổi, suy giảm miễn dịch…. Biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng bao gồm sốt, với các kiểu như sốt cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, sốt kéo dài, suy hô hấp, loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng.

Việc chẩn đoán bệnh Melioidosis dựa vào các yếu tố dịch tễ như tiếp xúc với đất, nước, bụi, các dấu hiệu lâm sàng và có kết quả định danh vi khuẩn B. pseudomallei từ các mẫu bệnh phẩm.

Điều trị căn nguyên gây bệnh Melioidosis bằng sử dụng các kháng sinh có nhạy cảm với các chủng B. pseudomallei. Kèm theo đó là điều trị các triệu chứng và các biến chứng kèm theo và chăm sóc, điều dưỡng phục hồi sức khỏe người bệnh. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh Whitmore.

1. Hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng.

2. Sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao.

3. Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

4. Những người có bệnh mãn tính như tiểu đường, suy giảm miễm dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

5. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei và điều trị kịp thời.

(Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.
Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.